Phát biểu tại Hội thảo Phát triền bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm của chúng ta – Hành động của chúng ta” diễn ra ngày 16/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ, trong đó tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững,.
“Mục tiêu này trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã tiếp tục thể hiện khát vọng của Việt Nam hướng tới một quốc gia, một nền kinh tế phát triển bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với Việt Nam, các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học, công nghệ còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức.
Trong bối cảnh này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát triển vững trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.
Thứ hai, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.
Thứ ba, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ sáu, tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về hoạt động và những hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với môi trường và xã hội, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hai năm trước, tại Hội nghị COP26, 197 quốc gia trong đó có Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua một thỏa thuận lịch sử.
Theo đó, Việt Nam đã cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đồng thời nhấn mạnh phát triển bền vững ngày càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển, đồng thời cũng là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.