March 04, 2024 | 06:00 GMT+7

Phát triển đô thị ven sông Sài Gòn: Cơ hội “chuyển mình” cho TP.HCM

Ban Mai -

TP.HCM định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm “mặt tiền” cho đô thị, phát triển dải đô thị 02 bên sông…

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP.HCM.
Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP.HCM.

Sông Sài Gòn dài 256 km từ biên giới Campuchia đến cửa biển Cần Giờ, trong đó, đoạn chảy dọc trên địa phận TP.HCM dài khoảng 80km có giá trị và tiềm năng rất lớn.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ SÔNG SÀI GÒN

Sau chuyến tham quan sông Sein của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Paris vào tháng 6/2023, hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Sein”, đã được tổ chức vào chiều 02/3/2024. Tại đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Đó là: Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060; Xây dựng quy hoạch chung TP. Thủ Đức.

Thành phố cũng xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP.HCM thời kỳ mới và là điểm nhấn trong việc rà soát quy hoạch chung lần này. Vì vậy, việc thành phố phối hợp với Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xây dựng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn là việc kịp thời và có ý nghĩa.

Ông Mãi cho rằng sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ. Bản thân lãnh đạo thành phố cũng khẳng định mong muốn khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp của con sông này.

“Mục tiêu của việc phát triển sông Sài Gòn là định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm “mặt tiền” cho đô thị, phát triển dải đô thị 02 bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông. Làm sao để dòng sông thực sự đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM”, ông Mãi nói.

CHIA THÀNH 4 PHÂN KHU

Trên cơ sở chuyến khảo sát sông Sein tại Pháp của đoàn lãnh đạo TP.HCM vừa qua, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đã cùng với liên danh tư vấn AVSE Global và IPR xây dựng ý tưởng, định hướng phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn.

Đại diện liên danh tư vấn cho rằng sông Sài Gòn là dòng chảy tạo cơ hội “chuyển mình” cho TP.HCM. Tiềm năng kinh tế dọc hành lang sông Sài Gòn bao gồm kinh tế dịch vụ, có các hoạt động như: du lịch sông nước, văn hóa và giải trí, kinh tế đêm; logistics; kinh tế xanh và số; phát triển hạ tầng giao thông; bất động sản. Đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của thành phố chính là một trong những chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển cho thành phố trong 30 năm tới.

Đại diện liên danh tư vấn trình bày ý tưởng, định hướng phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn.
Đại diện liên danh tư vấn trình bày ý tưởng, định hướng phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn.

Theo đại diện liên danh tư vấn, nếu so sánh với những dòng sông trong đô thị nổi tiếng khác trên thế giới, sông Sài Gòn có 5 đặc trưng độc đáo. Đây chính là “xương sống tinh thần” và thiên nhiên của TP.HCM.

Thứ nhất, đó là giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam, biểu tượng là Bến cảng Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.

Thứ hai là bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ.

Thứ ba là đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương.

Thứ tư là vị thế, là tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học đẳng cấp thế giới (rừng ngập mặn Cần Giờ).

Thứ năm, là thách thức lũ lụt khiến TP.HCM nằm trong số 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với những đặc trưng đó, liên danh tư vấn đề xuất chia sông Sài Gòn thành 04 phân khu để tháo gỡ những khúc mắc mang tính bao quát và toàn diện của TP.HCM từ quan điểm về mặt không gian.

Phân khu 1 (Phân khu Bắc kết nối bản sắc): dài 48 km, từ TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Khu vực chủ yếu là nông thôn này kéo dài từ trung tâm lịch sử Thủ Dầu Một đến Khu tưởng niệm địa đạo Củ Chi. Khu này được đề xuất phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô… từ kinh nghiệm thành công của Công viên vùng tự nhiên tại Pháp.

Phân khu 2 (Giao diện trù phú): dài 25 km, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một. Khu vực này sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa 02 khu vực này. Đồng thời, chuyển đổi các khu đất trồng trọt rộng lớn còn lại thành các công viên nông nghiệp - giải trí, sinh thái và sản phẩm thủ công được du khách ưa thích.

Phân khu 3 (Thanh Đa trải nghiệm về nguồn): dài 13,5 km, bao gồm bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP.HCM - Hà Nội. Khu vực này được đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300 ha; Tái phát triển cảng Phước Long.

Phân khu 4 (Khu trung tâm cánh cửa tương lai): dài 16 km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Giống với vùng hợp lưu của sông Hudson và sông Đông ở TP. New York, Docklands ở London hay vịnh Marina ở Singapore. Đây là cửa ngõ nổi bật vào TP.HCM, là nơi thể hiện hình ảnh đẹp nhất của đô thị, đồng thời, trưng bày những công trình tuyệt vời nhất của đô thị. Khu vực này được đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng. Trong đó, Bến Bạch Đằng, Khánh Hội và đô thị Thủ Thiêm sẽ nổi lên như những địa điểm hàng đầu cho khu vực này.

Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố cũng đánh giá, xem xét cân nhắc nội dung tích hợp quy hoạch dọc hành lang sông Sài Gòn vào quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; làm rõ hơn trục phát triển sông Sài Gòn, gắn kết với hệ thống không gian mở đa chức năng; quản lý phát triển các ngành lĩnh vực và địa bàn dọc sông Sài Gòn (du lịch, giao thông, logistics, văn hoá giải trí và kinh tế đêm…) trên các địa bàn dọc hành lang sông theo hướng tích hợp, có phân kỳ, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hình thành các hệ sinh thái kinh tế dịch vụ dọc theo hành lang sông.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate