Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, xác định khu vực này là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP và sử dụng 82% lực lượng lao động, khu vực tư nhân đang giữ vai trò trung tâm trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ rõ: kinh tế tư nhân vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản thể chế, thiếu khả năng tiếp cận vốn, công nghệ, và đặc biệt là quyền tài sản chưa được bảo đảm đầy đủ. Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển, Nghị quyết yêu cầu tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu tài sản – trong đó có tài sản trí tuệ – như một phần cốt lõi trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.
TÀI SẢN VÔ HÌNH - NỀN TẢNG CỦA KINH TẾ SỐ
“Một quốc gia phát triển, tài sản trí tuệ có thể chiếm tới 80% tổng giá trị tài sản. Bởi vậy, phát triển, giao dịch và bảo vệ tài sản trí tuệ phải là trọng tâm của một quốc gia muốn phát triển.” Đây là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của ngành khoa học công nghệ.
Câu nói ấy phản ánh một xu thế không thể đảo ngược: trong nền kinh tế số, giá trị doanh nghiệp không còn nằm ở máy móc, nhà xưởng, mà ở những tài sản vô hình – đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), vào thập niên 1980, tài sản sở hữu trí tuệ chỉ chiếm 20% giá trị doanh nghiệp, nhưng hiện nay đã tăng lên đến 80%. Tại Mỹ, theo báo cáo của USPTO, có 75 ngành công nghiệp phụ thuộc trực tiếp vào quyền SHTT, đóng góp trên 5.000 tỷ USD – tương đương 34,8% GDP và tạo ra 27,1 triệu việc làm.
Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, quyền sở hữu trí tuệ còn là loại tài sản thực sự.
Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định tài sản bao gồm cả "quyền tài sản có thể định giá được bằng tiền" (Điều 105, 115) trong đó quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền tài sản. Luật sở hữu trí tuệ cũng xác định quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với tài sản trí tuệ (Điều 4.1).
Theo Thông tư 37/2024/TT-BTC về chuẩn mực thẩm định giá, một tài sản vô hình cần có ba điều kiện: (1) bằng chứng tồn tại; (2) khả năng tạo lợi ích kinh tế; và (3) có thể định giá bằng tiền.
Quyền sở hữu trí tuệ đáp ứng đầy đủ cả ba. Một thương hiệu đã đăng ký, một sáng chế được cấp bằng, một phần mềm có giấy phép khai thác – đều có thể định giá, li-xăng, thừa kế, kê biên, hoặc góp vốn. Ví dụ: thi sĩ Hữu Loan chuyển nhượng quyền tác giả bài thơ "Màu tím hoa sim" với giá 100 triệu đồng; giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao với giá 5 tỷ đồng.
Tài sản vô hình là tài sản không mang hình thái vật chất, nhưng lại có thể tạo ra lợi ích kinh tế, được bảo hộ bởi pháp luật, và có thể bị xâm phạm. Đặc điểm nổi bật nhất của quyền sở hữu trí tuệ – như một dạng tài sản vô hình – là tính sinh lợi không cạnh tranh: một bản nhạc có thể phát cho hàng triệu người, một sáng chế có thể cấp phép cho nhiều doanh nghiệp mà không làm “hao mòn” tài sản gốc.
Khác với tài sản hữu hình, tài sản vô hình không thể cầm nắm, di chuyển, lưu kho hay tiêu dùng vật lý.
Tuy nhiên, giá trị của nó lại được phản ánh một cách cụ thể trong các giao dịch góp vốn, hợp đồng li-xăng, hay các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD.
Điều này giải thích vì sao ngày càng nhiều quốc gia ban hành các cơ chế pháp lý, tài chính và thuế quan để thúc đẩy việc tài sản hóa quyền sở hữu trí tuệ – từ hệ thống định giá, quy trình ghi nhận vào sổ sách kế toán cho tới cơ chế hỗ trợ thế chấp, bảo lãnh vay vốn dựa trên tài sản vô hình.
DOANH NGHIỆP TĂNG TỐC ĐỔI MỚI NHƯNG THIẾU "LỚP ÁO PHÁP LÝ"
Các doanh nghiệp tư nhân – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – đang nỗ lực đổi mới, sáng tạo, cải tiến sản phẩm, mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Nhiều sản phẩm Made in Vietnam có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, tiềm năng mở rộng thị trường toàn cầu. Nhưng trái ngược với tốc độ đổi mới ấy là thực trạng doanh nghiệp chưa có thói quen bảo hộ và tài sản hóa quyền sở hữu trí tuệ.
Thế nhưng, hầu hết những tài sản vô hình ấy lại chưa được bảo hộ. Sáng chế không đăng ký. Nhãn hiệu để trống. Bí mật công nghệ không được xác lập quyền. Nhiều trường hợp, sản phẩm bị làm giả, thương hiệu bị chiếm dụng, hoặc mất quyền vì không biết cách nộp đơn đúng thời điểm. Đó là một nghịch lý: doanh nghiệp càng đổi mới, càng dễ bị tổn thương nếu không có "lớp áo pháp lý" từ hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Trong bối cảnh đó, việc tài sản hóa quyền sở hữu trí tuệ – thông qua đăng ký, định giá, đưa vào báo cáo tài chính, góp vốn, chuyển nhượng, hoặc làm tài sản đảm bảo – trở thành yêu cầu tất yếu. Đây không chỉ là vấn đề tuân thủ pháp luật, mà là một chiến lược sống còn để doanh nghiệp bảo vệ thành quả đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát triển kinh tế số đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nhìn: không chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà còn coi đó là một loại tài sản cốt lõi – có giá trị, có thể thương mại hóa, và cần được đầu tư bài bản như bất kỳ tài sản nào khác của doanh nghiệp.
Đã đến lúc các văn bản pháp luật – đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ – cần chính thức ghi nhận định nghĩa quyền sở hữu trí tuệ là một dạng tài sản vô hình.
Việc bổ sung định nghĩa này không chỉ giúp thống nhất hệ thống pháp luật, mà còn tạo cơ sở vững chắc để tài sản hóa, định giá, kê khai và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thực tiễn kinh doanh và xét xử. Nếu hệ thống pháp luật Việt Nam sớm hoàn thiện về phương diện này, chúng ta sẽ có thêm công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn trên con đường chinh phục thị trường quốc tế bằng năng lực sáng tạo và giá trị tri thức nội sinh.
*Luật sư Lê Quang Vinh - Giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Partners