Một trong những lợi ích lớn nhất của việc số hóa nông nghiệp là cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất. Những công nghệ cao như Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và các cảm biến thông minh, cho phép nông dân giám sát và quản lý các yếu tố quan trọng như nước, đất, ánh sáng và nhiệt độ trong nông trại. Thông qua việc sử dụng các hệ thống tự động hoá và phân tích dữ liệu, nông dân có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ gieo trồng, chăm sóc cây trồng đến thu hoạch, giúp tăng năng suất và giảm lãng phí,…
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP VẪN …MANH MÚN
Báo cáo mới nhất của Deloitte Việt Nam đã chỉ ra trong vòng 5 - 10 năm tới, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với những “đại” xu hướng liên qua đến các vấn đề như dân số, đô thị hóa, kỹ thuật nông nghiệp, thay đổi khí hậu, toàn cầu hóa thương mại…
Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc bộ phận Dịch vụ SAP và Digital Practive, Delloitte Việt Nam, dự báo đến năm 2050 dân số toàn cầu sẽ đạt trên 10 tỷ người. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh như vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực đòi hỏi phải tăng năng suất, tăng sản lượng nông nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài ra, người nông dân trong tương lai cũng sẽ phải đối mặt và cạnh tranh với những “người chơi” mới, do đó việc đón nhận những giải pháp công nghệ và hệ sinh thái mới là cần thiết.
“Ứng dụng số hóa, công nghệ sinh học, các kỹ thuật công nghệ mới,... sẽ kích hoạt năng suất cao hơn cho nông nghiệp, giảm được chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Sự chính xác trong quá trình trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sẽ giảm thiểu đến 40% lượng phân bón được sử dụng”, bà Hiệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, đồng sáng lập Công ty Cổ phần hợp tác Đầu tư và Công nghệ TechCoop, việc thực hiện số hóa, công nghệ hóa trong nông nghiệp tại Việt Nam còn gặp khó khăn.
Một trong những khó khăn đầu tiên phải kể tới, đó là thực trạng của sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ nên việc tiếp cận nguồn vốn còn khó hoặc không thể. “Những khoản vay của nông dân còn nhỏ lẻ, trong thời gian ngắn theo mùa vụ từ 3 - 9 tháng và không có tài sản thế chấp nên rất khó để các tổ chức tài chính chấp nhận”, ông Tuấn cho biết.
Khó khăn tiếp theo là việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cần phải đầu tư kinh phí rất lớn. Còn nhiều khó khăn khác được các doanh nghiệp đề cập đến như hệ thống văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa chi tiết; truy xuất nguồn gốc chưa triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước…
Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho thấy tình trạng chuyển đổi số vẫn còn chậm và nhỏ lẻ. Trong số 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các hợp tác xã này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.
CẦN LIÊN KẾT ĐỂ ĐẨY MẠNH SỐ HÓA
Mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình ứng dụng, triển khai số hóa, công nghệ hóa, song đã có nhiều doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh các dự án hợp tác nhằm hướng đến việc phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Đơn cử, từ năm 2011, Nestlé Việt Nam đã hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… khởi xướng chương trình NESCAFÉ Plan. Chương trình đã gắn kết thành công với người nông dân khu vực Tây Nguyên, nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt, áp dụng phương pháp canh tác bền vững, tái canh diện tích cây cà phê già cỗi, gia tăng thu nhập cho các nông hộ.
Nestlé Việt Nam cho biết, nông nghiệp tái sinh còn giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Việc cải tạo chất lượng đất còn giúp tăng khả năng hấp thụ khí các-bon vào đất, giảm phát thải. Chương trình đã giúp người nông dân tái canh 63.000 ha cà phê già cỗi, giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/thuốc trừ sâu, tăng 30-100% thu nhập nhờ áp dụng mô hình xen canh hợp lý và giảm lượng phát thải carbon trên mỗi ký café được thu hoạch.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp, trong năm vừa qua, Grab đã phối hợp cùng với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED),Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (ITPC-VCA) triển khai nhiều chương trình truyền thông, tập huấn để đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 800 hợp tác xã nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, nhiều “ông lớn” về công nghệ cũng đã hướng đến việc hợp tác nâng tầm sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông nghiệp tại Việt nam. Mới đây, True Digital Việt Nam và Công ty Cổ phần hợp tác Đầu tư và Công nghệ TechCoop đã ký kết hợp tác chiến lược nhằm cung cấp gói giải pháp toàn diện cho các công ty nông nghiệp với mục đích thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền nông nghiệp xanh và hiện đại tại Việt Nam.
Dự án hợp tác này được thực hiện theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt tiêu chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam ra thế giới.
Trước đó, vào cuối tháng 04/2023, TechCoop cũng ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 10 triệu USD với Sen Đại Việt nhằm ứng dụng công nghệ số hóa 4.0, đảm bảo cung cấp ra thị trường các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với những gì đang diễn ra, giới phân tích đặt nhiều kỳ vọng vào sự hợp tác công - tư giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ,... sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp Việt Nam trong tương lai, cũng như đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của đất nước.