) Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - VnEconomy Emagazine
Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 1
Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 2

“Khi kinh doanh thuận lợi cũng như trong các giai đoạn khó khăn, phát triển bền vững luôn là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của chúng tôi.

Kể từ tháng 9/2022, Heineken chính thức khai trương nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam. Nhà máy được thiết kế thân thiện với môi trường, tận dụng ánh sáng tự nhiên, giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng đáng kể. Hướng tới mục tiêu phát triển xanh, Heineken Việt Nam nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030.

Về phát triển tuần hoàn, Heineken Việt Nam tối đa hóa tính tuần hoàn ở các sản phẩm; áp dụng quy trình quản lý rác thải hiệu quả nhằm làm cho thế giới ngày càng xanh hơn; các sản phẩm của Heineken có thể tái sử dụng; giúp thương hiệu này ngày càng bền vững hơn và xanh hơn.

Yếu tố tuần hoàn không chỉ được áp dụng với nước ở nhà máy bia Vũng Tàu, mà trên thực tế, tất cả chất thải, sản phẩm phụ đều được đưa trở lại chuỗi cung ứng thông qua việc tái sử dụng, tái chế.

Trong năm 2022, nhà máy cuối cùng trong toàn bộ 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam đã chuyển sang sử dụng năng lượng sinh khối, điều này có nghĩa là hiện nay toàn bộ bia của Heineken Việt Nam đang được nấu bằng năng lượng tái tạo. Heineken Việt Nam cũng đã mua các Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại 6 nhà máy, trong khi tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế; chẳng hạn như thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA) và hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.

Trong năm qua, Heiniken Việt Nam cũng khởi động chương trình hợp tác chiến lược cùng WWF-Việt Nam để bảo tồn nguồn nước tại các lưu vực sông trọng điểm. Heiniken Việt Nam và các đối tác hướng đến mục tiêu bảo tồn 3 tỷ lít nước mỗi năm, thông qua các hoạt động khác nhau như trồng mới và nuôi dưỡng rừng, quản lý và bảo tồn nguồn nước. Chương trình sẽ góp phần hiện thực hóa tham vọng cân bằng nước của Heineken Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, Heineken Việt Nam sẽ trả lại cho thiên nhiên lượng nước bằng đúng lượng nước sử dụng trong các sản phẩm của mình”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 3

“Phát triển bền vững là khái niệm Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) nhận thức được từ cách đây 20 năm. Ngay từ thời điểm đó, chúng tôi đã nghĩ phát triển bền vững là cơ hội của mình trong tương lai, nên cần chớp lấy cơ hội từ rất sớm.

Kết quả đến nay, hệ thống nhà máy, trang trại quy mô công nghệ cao và hàng triệu sản phẩm được cung cấp mỗi ngày, Vinamilk đã xây dựng chương trình hành động tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp bền vững – Sản xuất xanh – Logistics thân thiện môi trường – Tiêu dùng bền vững.

Gần đây nhất là dự án Net Zero hưởng ứng cam kết của Chính phủ đến năm 2050 cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0, điển hình là dự án trồng rừng lớn nhất “Những cánh rừng Net Zero” của Vinamilk tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Khi đặt ra mục tiêu, Vinamilk đều có lộ trình để hướng tới nhằm đạt được những mục tiêu này. Đặc biệt Vinamilk cũng được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060.

Chúng tôi luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết. Người tiêu dùng chính là động lực để doanh nghiệp luôn luôn phải giải bài toán làm sao để có sản phẩm tốt nhất chăm sóc sức khoẻ cho họ.

Các chiến lược phát triển bền vững đã giúp cho Vinamilk tiết kiệm chi phí rất nhiều trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, biến nó thành lợi nhuận. Bên cạnh đó, trong các trang trại của Vinamilk không bỏ đi thứ gì, từ chất thải của bò cũng biến thành phân bón hữu cơ để bón cho cây cỏ làm thức ăn cho bò, hoặc cung cấp phân bón cho bà con nông dân quanh trang trại của Vinamilk.

Bằng chính những hoạt động này, Vinamilk đã dùng nguồn lực thu được từ phát triển bền vững để tiếp tục tiến lên các hoạt động bền vững khác, hướng tới trách nhiệm xã hội cao hơn. Tôi cho rằng, doanh nghiệp nào hoạt động cũng phải có lợi nhuận nhưng giờ đây lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu mà là vì cộng đồng, là trách nhiệm vì cộng đồng, doanh nghiệp vì cộng đồng”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 4

“Là tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới, đồng thời là một trong những doanh nghiệp đi đầu về phát triển bền vững, việc tạo giá trị cho xã hội chính là động lực của Nestlé. Tại Việt Nam, chúng tôi đang triển khai nhiều sáng kiến nhằm giúp giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tái sinh bền vững, nâng cao sinh kế người dân và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, cùng các nỗ lực khác hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Chúng tôi cũng đang hỗ trợ người nông dân, góp phần chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh trong canh tác cây cà phê. Thông qua chương trình Nescafé Plan triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011 đến nay, Nestlé cùng người nông dân thực hiện nhiều sáng kiến góp phần cải thiện chất lượng hạt cà phê Việt.

Từ năm 2015, 100% nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “Không chất thải rắn chôn lấp ra môi trường”. Riêng trong năm 2022, nhờ các sáng kiến tái sử dụng, tái chế và tuần hoàn nước, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã tiết kiệm hơn 240.000m3 nước trong sản xuất. Toàn bộ bã cà phê được tái sử dụng làm nhiên liệu sinh khối cho lò hơi trong sản xuất cà phê, giúp giảm thiểu trung bình hơn 14.000 tấn CO2 phát thải và tiết kiệm 54 tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi năm. Tính đến cuối năm 2022, gần 90% bao bì sản phẩm của Nestlé Việt Nam được thiết kế để có thể tái chế, tái sử dụng”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 5

“Nhôm Việt Dũng từ lâu đã theo đuổi phương châm “tất cả cho chất lượng, chất lượng cho tất cả”. Theo đó, trong nhiều năm qua, Nhôm Việt Dũng cố gắng xây dựng một thương hiệu xanh. Đầu tiên phải kể đến là môi trường xanh, theo đó công ty luôn chú trọng đến không gian làm việc sản xuất của nhân viên luôn phải đảm bảo an toàn, đủ ánh sáng, nhiều cây xanh. Công ty cũng đã đầu tư cho quy trình sản xuất xanh bằng cách ứng dụng những quy trình sản xuất hiện đại với công nghệ mới, sử dụng các nguyên liệu tái chế trong sản xuất - đóng gói nhằm hạn chế rác thải, tăng năng suất lao động, góp phần bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng một thương hiệu xanh không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc mà còn mang lại giá trị cho xã hội, chung tay gìn giữ một môi trường xanh cho thế hệ mai sau. Đây cũng chính là một trong những định hướng trong công cuộc xây dựng thương hiệu của Alcorest nói riêng và nhôm Việt Dũng nói chung trong thời gian tới”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 6

“Việt Nam cam kết trở thành nền kinh tế cân bằng phát thải vào năm 2050. Chính phủ Việt Nam đã và đang khuyến khích tài chính bền vững bằng nhiều chính sách hỗ trợ mục tiêu này.

Tại HSBC, chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến khách hàng ngày càng có nhiều nhu cầu giúp khai phá các cơ hội tăng trưởng liên quan đến quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững. Chúng tôi đồng hành cùng họ và trợ giúp bằng các nguồn lực, công cụ, mối quan hệ và giải pháp. Chúng tôi đang giúp huy động tài chính, đầu tư và thúc đẩy đổi mới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch thông qua hợp tác với Chính phủ Việt Nam, Nhóm công tác của GFANZ và khách hàng của chúng tôi để hiện thực hóa cơ hội xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn. Đầu năm 2022, HSBC Việt Nam đã cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030.

Chúng ta đều có trách nhiệm trước những thách thức về khí hậu đặt ra cho hành tinh này. Tại HSBC, chúng tôi vạch ra chiến lược không chỉ nhằm giúp khách hàng giảm phát thải mà còn có kế hoạch rõ ràng nhằm giảm phát thải của chính ngân hàng. Chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn hệ sinh thái và giúp họ tiến tới nền kinh tế cân bằng phát thải, tận dụng mạng lưới toàn cầu của HSBC, kiến thức chuyên môn và sự hiện diện mạnh mẽ của chúng tôi tại ASEAN cũng như các khu vực khác trên thế giới”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 7

“Hiện nay, mỗi doanh nghiệp không chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn phải tạo được giá trị cho xã hội. Hướng đến kinh doanh bền vững là rất quan trọng, bởi vì đối với Sokfarm thương hiệu chính là “hiệu được thương”. Mỗi thương hiệu phải tạo được giá trị cho cộng đồng cho xã hội và bảo vệ môi trường.

Vì vậy ngay từ đầu Sokfarm đã chọn thông điệp “nông nghiệp hạnh phúc” ngay trên chính tên thương hiệu của mình. Bởi từ “Sok” trong tiếng Khmer có nghĩa là “hạnh phúc”. Chúng tôi luôn mong muốn tạo được ra một ngành nghề đem lại giá trị hạnh phúc cho cộng đồng.

Sau hơn 4 năm hoạt động, mật hoa dừa Sokfarm đã có hơn 400 đại lý trên toàn quốc, với hơn 30 tỉnh thành và xuất khẩu qua các thị trường Nhật, Đức, Hà Lan và trong tương lai là Mỹ. Sokfarm tin rằng chỉ có những thương hiệu tạo được giá trị cho cộng đồng, cho xã hội và bảo vệ được môi trường thì mới có được nguồn lực từ chính cộng đồng để chung tay lan tỏa và phát triển thương hiệu bền vững”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 8

“Trong bối cảnh mới hiện nay, ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải củng cố, xây dựng thương hiệu, tạo ra giá trị cho xã hội, hướng tới kinh doanh bền vững.

Ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, FPT Retail luôn giữ vững quan điểm tạo ra giá trị cho xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết để đánh giá sự thành công, là cốt lõi và nền tảng cho sự phát triển bền vững. Song hành cùng với những mục tiêu phát triển, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, FPT Retail luôn nỗ lực không ngừng để sáng tạo, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội.

Trong suốt quá trình phát triển, FPT Retail luôn đặt sứ mệnh vì cộng đồng, tương thân tương ái lên hàng đầu. Bên cạnh đó, FPT Retail cũng xác định giá trị nội tại là vô cùng quan trọng và đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Bởi vậy, là doanh nghiệp bán lẻ có hơn 15.000 nhân viên, FPT Retail không chỉ dừng lại ở việc tạo công ăn việc làm đơn thuần, mà luôn đặt trọng tâm vào việc kiến tạo một môi trường tối ưu để toàn thể nhân viên có đủ điều kiện phát triển, thành công và hạnh phúc.

Thực tế cho thấy, thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 9

“AEON là tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản và có lịch sử lâu đời 250 năm. Còn ở Việt Nam, chúng tôi hiện diện gần 10 năm qua và từ thời điểm mở siêu thị đầu tiên tại Việt Nam đến nay khoảng 8 năm. AEON Việt Nam tập trung vào hai nhiệm vụ chính là xây dựng hệ thống phân phối bền vững và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Với vai trò là nhà bán lẻ và là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, trong quá trình vận hành, chúng tôi tìm cách tạo ra những giải pháp tiện lợi cho người tiêu dùng và đồng hành với khách hàng trong hành trình hướng đến tiêu dùng bền vững.

Nhiều chiến dịch và sáng kiến nổi bật được triển khai, đặc biệt trong hoạt động sử dụng túi môi trường sử dụng nhiều lần, cung cấp dịch vụ cho thuê túi để khách hàng không phải tốn chi phí để mua một túi mới trong những lần mua sắm. Bên cạnh đó, chúng tôi đặt quầy thanh toán ưu tiên cho khách hàng từ chối túi ni-lông, chuyên phục vụ những khách đem theo túi môi trường. Khi đó, những khách hàng không đem túi môi trường sẽ thấy phong cách sống của những khách hàng có hành vi tiêu dùng xanh, cũng là một cách để học hỏi và có thể lựa chọn phong cách sống xanh trong những lần tới ghé siêu thị. Điều quan trọng nhất là thông qua những hoạt động cộng đồng, chúng tôi lồng ghép thêm hoạt động giáo dục, đào tạo và chia sẻ kiến thức bởi điều khó nhất là định hướng hành vi của người tiêu dùng. Điều này cần rất nhiều nỗ lực và đến từ sự yêu thích, những hoạt động đồng cảm, đồng hành và thấu hiểu từ khách hàng.

Trong quá trình vận hành không túi ni-lông cho khách tiêu dùng ở Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy thời gian đầu rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời gian áp dụng chương trình không sử dụng túi ni-lông ở Nhật Bản thì tốc độ AEON Việt Nam áp dụng chương trình khuyến khích khách hàng không sử dụng túi ni-lông thật sự đáng ghi nhận khi số lượng khách hàng từ chối sử dụng túi ni-lông lên đến 2.000/ngày trong thời gian thử nghiệm, còn số khách thuê túi cho đến nay lên đến 20.000.

Tức là dù Việt Nam đi sau nhưng tốc độ đi rất nhanh và chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ giới trẻ, truyền thông và giáo dục góp phần rất lớn cho việc định hướng người tiêu dùng. Chúng tôi cho rằng giai đoạn đầu có thể tốn kém chi phí nhưng về lâu dài sẽ đem đến niềm tin yêu từ khách hàng”.

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 10

VnEconomy 06/10/2023 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phát triển xanh: Tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 11