Khả năng Donald Trump trở thành đại diện cho Đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2016 đang khiến lãnh đạo của đảng này lo ngại. Một câu hỏi đặt ra là Đảng Cộng hòa đã “sơ hở” như thế nào khiến Trump có thể nổi lên thành một ứng viên đáng gờm như hiện nay?
Không ai ngờ tới
Theo hãng tin Reuters, vào một buổi tối tháng 6/2015, một số nhà tài trợ vào hàng giàu có nhất của Đảng Cộng hòa tụ tập tại một buổi tiệc cocktail trong khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Deer Valley, bang Utah. Buổi tiệc này nằm trong một kỳ nghỉ 3 ngày do cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney làm “chủ xị”.
Trong bữa tiệc, các nhà tài trợ đã nói về 6 nhân vật tiềm năng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm sau. Tom Duncan, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng công cụ Positec Tool đã trao đổi với các nhà tài trợ về Thống đốc Scott Walker của bang Wisconsin, Thượng nghị sỹ Marco Rubio của bang Florida, nhưng bản thân ông lại thích Thống đốc John Kasich của Ohio và cựu CEO Carly Fiorina của hãng máy tính HP.
Theo hãng tin Reuters, đã không một nhà tài trợ nào nói đến cái tên Donald Trump, cho dù vị tỷ phú bất động sản đã phát tín hiệu sẽ đứng ra tranh cử từ vài tháng trước.
Chỉ 4 ngày sau buổi tối đó, Trump tuyên bố tham gia cuộc đua, và chỉ trong vòng vài tuần, ông vọt lên vị trí đầu bảng trong các cuộc thăm dò dư luận, bỏ xa tất cả các ứng cử viên khác.
Câu chuyện về sự nổi lên của Trump được thể hiện mỗi ngày trên sóng truyền hình và mạng xã hội, nhưng các cuộc thảo luận kín của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong giai đoạn này chẳng nhận được mấy sự chú ý.
Nhiều cuộc thảo luận trong số này có một điểm chung: nhất quyết không xem Trump là điều gì “to tát”, cho dù người ủng hộ Trump đứng chật kín các sân vận động để nghe ông diễn thuyết trong những tháng mùa hè, cho dù ông chiếm gần trọn các bài báo về cuộc bầu cử, và cho dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của cử tri.
Nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Cộng hòa từng đều có chung niềm tin rằng, Trump rốt cục sẽ “tự hủy hoại” bản thân, hoặc người Mỹ sẽ mất kiên nhẫn với những lời hùng biện, xúc phạm, và sự thiếu chính sách rõ ràng để hậu thuẫn cho lời hứa “Make America Great Again” (tạm dịch: “Đưa nước Mỹ trở nên tuyệt vời một lần nữa”) mà Trump đưa ra.
Nhưng tất cả họ đã lầm.
Trận “đại thắng” của Trump trong ngày “Siêu thứ Ba” 1/3 đã đưa ông tới gần hơn tới vị trị đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử tìm ra vị chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng vào tháng 11.
Các nhà tài trợ, chiến lược gia và điều hành chiến dịch của Đảng Cộng hòa được Reuters phỏng vấn đều thừa nhận rằng họ đã đánh giá sai về tâm trạng của những cử tri dành cho Trump sự ủng hộ sau khi vị tỷ phú đưa ra những lời hứa như xây tường chắn biên giới Mỹ-Mexico, tạm thời “cấm cửa” người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, hay nói không với người Syria xin tị nạn vì họ có thể là chiến binh thánh chiến.
Ngoại lệ bất thường
Sự nổi lên của Trump có vẻ như diễn ra hoàn toàn bên ngoái cơ cấu của quy trình đề cử bình thường trong Đảng Cộng hòa.
Chẳng hạn, nhiều người tham dự một hội nghị của đảng này vào tháng 2/2015 tỏ ra hào hứng với triển vọng trở thành Tổng thống Mỹ của Walker, Thống đốc bang Wisconsin, và Ted Cruz, Thượng nghị sỹ bang Texas. Hội nghị thường niên này là trạm dừng chân bắt buộc đối với bất kỳ thành viên Cộng hòa nào muốn ra tranh cử Tổng thống.
Trong bài phát biểu của mình tại đây, Trump đưa ra ý tưởng cũ mà ông đã nêu trước đó: xây tường chắn biên giới Mỹ-Mexico để ngăn người nhập cư. Và trong cuộc thăm dò ý kiến các thành viên Đảng Cộng hòa dự hội nghị, phần thắng nghiêng về Thượng nghị sỹ Rand Paul của Kentucky.
Nhưng những ứng cử viên được ưa chuộng đều đã dần “rơi rụng”. Walker bỏ cuộc chỉ sau 2 tháng tham gia tranh cử. Paul “ra đi” sau cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên vào tháng 2/2016. Cruz mới chỉ thắng ở 3 bang trong số mười mấy bang đã bầu cử sơ bộ tính đến thời điểm này.
Một ngày Chủ Nhật đầu tháng 8, các thành viên giàu có của Đảng Cộng hòa lại có cuộc tụ tập ở khu nghỉ dưỡng Hamptons, New York, để bàn về cuộc bầu cử 2016. Theo tiết lộ của nguồn tin thân cận, những người tham dự cuộc tụ tập này dành sự ủng hộ cho cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush.
Nguồn tin nói rằng, những người có mặt ở đó đã bày tỏ lo ngại về sự nổi lên của Trump - thời điểm đó tỷ lệ ủng hộ dành cho Trump trong các cuộc thăm dò dư luận đang cao gấp đôi so với đối thủ gần nhất. Họ lo ngại Trump sẽ khiến các ứng cử viên khác trở nên bi quan và hy vọng Trump sẽ có một màn thể hiện tồi trong cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên Cộng hòa diễn ra chưa đầy 1 tuần sau đó.
Nhưng các thành viên Cộng hòa giàu có lại một lần nữa tin rằng thế thượng phong của Trump trong cuộc đua sẽ không kéo dài lâu.
Ngay cả Right to Rise, một tổ chức ủng hộ Bush, cũng không hề xem Trump là một mối đe dọa, cho dù vào mùa hè hay mùa thu năm 2015 khi Trump vượt qua Bush trong các cuộc thăm dò dư luận.
“Tôi không cho là ông ấy sẽ gây khó khăn cho chúng tôi”, một thành viên lãnh đạo Right to Rise nói với Reuters vào mùa thu năm 2015.
Rốt cục, Bush đã tuyên bố bỏ cuộc vào hôm 21/2 vừa qua, sau chuỗi mấy tháng trời chật vật được khép lại bằng kết quả đáng buồn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina.
Ông Duncan, CEO của Positec, tiết lộ rằng, cho tới tháng 11-12/2015, những cuộc trò chuyện của ông với các nhà vận động tranh cử vẫn hầu như không đả động đến Trump. “Tôi nghĩ lúc đó thời gian vẫn còn nhiều, và Trump sẽ tụt xuống thôi”, Duncan nói.
Nhưng giờ thì thời gian không còn nhiều. Và Đảng Cộng hòa chỉ có thể nhìn lại những dấu hiệu cảnh báo mà họ đã bỏ qua. Họ chỉ còn biết lo Trump sẽ không đấu nổi với đối thủ Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử sắp tới, nếu cựu đệ nhất phu nhân trở thành đại diện cho đảng này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate