Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5063/QĐ-UBND ngày 19/12 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Theo Kế hoạch, tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội của Hà Nội, giai đoạn sau năm 2020 cần đầu tư tư xây dựng mới là 6,8 triệu m2 sàn.
Ngoài ra, trong Chương trình phát triển nhà ở TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 khoảng 1,25 triệu m2 sàn.
Trước nhu cầu đó, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có 4 dự án hoàn thành với khoảng 0,33 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, 46 dự án đang triển khai với khoảng 2,90 triệu m2 sàn nhà ở và 5 dự án khu nhà ở xã hội độc lập cũng được nghiên cứu triển khai.
Còn giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành 22 dự án hiện nay đã có quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản xong giải phóng mặt bằng, đang chuẩn bị đầu tư, hoặc đang thi công xây dựng, hoặc đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai 28 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025; chuẩn bị đầu tư 5 dự án khu nhà ở xã hội độc lập và triển khai dự án xây mới có tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2025.
Căn cứ thực trạng triển khai dự án, thành phố dự kiến năm 2022 đạt 257.000m2 sàn nhà ở; năm 2023 đạt 32.900m2 sàn nhà ở; năm 2024 đạt 361.700m2 sàn nhà ở; năm 2025 đạt 475.200m2 sàn nhà ở… Vốn để hoàn thành phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 ước khoảng 12.350 tỷ đồng từ ngân sách và huy động xã hội.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, UBND TP. Hà Nội yêu cầu cân đối nhu cầu nhà ở xã hội tại các quận, huyện thị xã đảm bảo phân bố hợp lý trên địa bàn thành phố theo quy hoạch; đẩy mạnh phát triển khu nhà ở xã hội độc lập theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh khu công nghiệp, các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển.
Bố trí nguồn tiền mà chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định; kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, nhà ở xã hội cho thuê…
Liên quan đến nhà ở xã hội, trong chương trình tiếp xúc với cử tri tháng 10 tại quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có nhiều bất cập như việc sử dụng quỹ đất 20% của các khu đô thị. Hiện nay, thành phố có kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung. Đây cũng là hướng thành phố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200-300 ha.
Thành phố dự định sẽ chi ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như: trường học, trạm y tế vừa bảo đảm đồng bộ, vừa giúp hạ giá thành nhà ở cho người dân.
Đối với công tác quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy cho biết TP đã, đang và sẽ tiến hành rà soát để đánh giá các vấn đề để từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị với Trung ương giải quyết những bất cập như thời hạn cho thuê đất công ích 5%; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Thông tin nhanh về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP thời gian qua, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất ngờ, tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; từng bước vượt qua khó khăn, thử thách; giành được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng được tập trung thực hiện, có nhiều đổi mới quyết liệt trên các lĩnh vực, nhất là công tác cán bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Được biết, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng có tính dài hơi, đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Trong đó, tiêu biểu là Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp văn hóa; quyết định chủ trương đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực (y tế, GD&ĐT và văn hoá) với tổng dự toán trên 49.000 tỷ đồng; thực hiện Đề án cải tạo chung cư cũ...