Các ngân hàng thương mại cổ phần đang bước vào mùa đại hội đồng cổ đông thường niên. Các kế hoạch chi trả cổ tức đã thông qua, dự kiến trình phần lớn đều tiếp tục tranh thủ nguồn lực của cổ đông, qua trả bằng cổ phiếu.
Mỗi ngân hàng có các giải trình cụ thể, chung quy đều nhằm gia tăng nguồn lực tài chính, tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động. Vậy yêu cầu này tổng thể như thế nào?
Trên bình diện toàn hệ thống, tăng vốn điều lệ là yêu cầu bắt buộc đối với các thành viên. Những đôi chân trở nên nhỏ đi, không củng cố tương ứng để đỡ những cơ thể lớn lên với tốc độ nhanh hơn nhiều.
Tập hợp dữ liệu của toàn hệ thống trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, một mặt các ngân hàng thương mại đã nỗ lực nhưng khó khăn trong tăng vốn điều lệ và buộc phải tranh thủ nguồn lực cổ đông; mặt khác, yêu cầu cạnh tranh và phát triển, có yếu tố khách quan từ đặc điểm nhu cầu của nền kinh tế, khiến năng lực vốn điều lệ hụt hơi nhanh chóng.
Nhìn lại cả quá trình, trong 5 năm qua (2012 - 2016), quy mô tổng tài sản của hệ thống đã mở rộng nhanh chóng, từ 5,085 triệu tỷ đồng cuối 2012 lên 8,503 triệu tỷ đồng cuối 2016, tương ứng với tốc độ tăng trưởng tới 67,2%.
Trong khi đó, cùng mốc so sánh, tổng quy mô vốn điều lệ chỉ tăng được từ 392.152 tỷ đồng lên 488.424 tỷ đồng, chỉ tăng được 24,52%. Tốc độ tăng trưởng quy mô vốn điều lệ toàn hệ thống đã hụt hơi rất nhiều so với quy mô tăng tổng tài sản.
Sự hụt hơi trên dẫn tới thực tế, thậm chí là cảnh báo cục bộ ở một số khối ngân hàng thương mại: tỷ lệ an toàn vốn (CAR) suy giảm, đáng cảnh báo ở khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Cụ thể, cuối 2012, CAR bình quân toàn hệ thống ở mức 13,75%, đến cuối 2016 giảm xuống còn 12,84%. Dù giảm không mạnh nhưng tách theo từng khối cho thấy mức độ ảnh hưởng của sự hụt hơi trên: cùng mốc so sánh, khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm từ 10,28% xuống còn 9,92%, mà trong đó một phần vừa được kê lên từ vay mượn lượng lớn trái phiếu dài hạn; của khối ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 14,01% xuống còn 11,08%.
Những so sánh và dữ liệu trên mang tính tương đối, do việc thống kê có phần khác biệt khi nảy sinh “ngân hàng 0 đồng”, hoặc chưa tính những trường hợp âm vốn điều lệ những năm gần đây. Mặt khác, một số tham chiếu để tính CAR hiện nay so với trước đây có thay đổi nhất định theo các khuôn khổ chuẩn mực mới của Ngân hàng Nhà nước, hoặc qua các thời kỳ.
Dù vậy, sự hụt hơi của vốn điều lệ so với quy mô hoạt động, tổng tài sản của toàn hệ thống đã và đang là áp lực chính, góp phần dẫn tới điệp khúc cổ tức ngân hàng bằng cổ phiếu những năm qua và hiện nay.
Trong đó, có một yếu tố khách quan. Đặc điểm nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam là dựa quá nhiều vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Và quy mô tín dụng cũng mở rộng nhanh hơn nhiều so với quy mô tăng vốn của các nhà băng khi nhìn lại 5 năm qua.
Cụ thể, từ năm 2012 đến 2016, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã mở rộng từ 3,09 triệu tỷ đồng lên tới 5,50 triệu tỷ đồng, tức tăng trưởng tới 78,11%, và vượt xa tốc độ tăng trưởng chỉ 24,54% của vốn điều lệ hệ thống qua 5 năm nói trên.
Theo đó, áp lực tăng vốn và điệp khúc tranh thủ nguồn lực cổ đông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến sẽ chưa dừng lại.
Và riêng năm nay, áp lực đó càng nổi bật hơn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV và VietinBank. Nhưng, liệu cổ đông Nhà nước có chấp thuận nhận cổ tức bằng cổ phiếu hay không, để giúp ngân hàng tăng vốn?
Câu trả lời, hiện vẫn còn phải chờ kết quả các đại hội dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate