May 25, 2015 | 10:06 GMT+7

Phía sau kỷ lục ôtô nhập từ Trung Quốc

Đức Thọ

Kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị

Đại đa số ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đều là xe tải, tỷ lệ xe du lịch và xe bus là rất ít.
Đại đa số ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đều là xe tải, tỷ lệ xe du lịch và xe bus là rất ít.
Thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, đã có đến 3.471 ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4/2015 vừa qua, đạt giá trị kim ngạch hơn 135 triệu USD.

Đây chính là mức kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Trung Quốc cao nhất từ trước tới nay. So với tháng liền trước, mức kim ngạch này đã tăng 926 chiếc về lượng và tăng gần 36 triệu USD về giá trị.

Mừng và lo

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cộng dồn đến hết tháng 4/2015, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc đã đạt 8.856 chiếc, tương ứng mức giá trị hơn 347 triệu USD. Đáng chú ý là tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm nay đã tăng gấp đến 4 lần về lượng (6.582 chiếc) và tăng hơn 3 lần về giá trị (251 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, mức kim ngạch tháng 4 và tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm nay chỉ là kỷ lục mới được xác lập theo thời gian. Bởi trong khoảng hai năm trở lại đây, ngoại trừ những thời điểm “trũng” của thị trường do rơi và các đợt nghỉ lễ kéo dài thì đa số các tháng tiếp sau thường đạt mức kỷ lục so với những tháng trước đó.

Một điểm cũng cần lưu ý là đại đa số ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đều là xe tải, tỷ lệ xe du lịch và xe bus là rất ít. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, khác với xe CBU chở người thì kim ngạch nhập khẩu xe tải liên tiếp tăng mạnh là một tín hiệu mừng của nền kinh tế. Lý do sức mua tăng cao gần như đồng nghĩa với nhu cầu và thực tế sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh tế cá thể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó lại là mối lo ngại khác, đó chính là tương lai của ngành công nghiệp ôtô.

Tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chiến lược và quy hoạch công nghiệp ôtô Việt Nam giai đoạn mới, trong đó các loại xe tải và xe bus được xác định là nhóm sản phẩm chủ lực.

Thực tế cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại thì xe tải chính là các dòng sản phẩm mà các doanh nghiệp ôtô trong nước thành công nhất. Có thể kể đến một số doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước đã từng đi lên từ xe tải và hiện cũng đang phát triển mạnh mảng sản phẩm xe tải như Trường Hải (Thaco), Vinamotor, VEAM…

Điển hình là Thaco. Mặc dù đã mở rộng mạnh mẽ sang các mảng sản phẩm khác, nhất là xe du lịch với việc cùng lúc sản xuất và phân phối 3 thương hiệu lớn là Kia, Mazda và Peogeut song Thaco hiện vẫn đang là một “ông lớn” trên thị trường xe tải.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng xe tải trong năm 2014 của Thaco đạt 20.254 chiếc. Tính trong 4 tháng đầu năm nay, Thaco cũng đã bán ra thị trường 9.724 chiếc.

Thông tin cập nhật mới nhất cũng cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trung bình đối với các loại xe tải do Thaco sản xuất tại thời điểm này đã đạt 46%, một tỷ lệ mơ ước nếu so sánh với các loại xe du lịch.

Thách thức với sở trường

Tuy nhiên, trước cuộc đổ bộ ồ ạt và liên tiếp lập những kỷ lục của xe tải Trung Quốc, xe tải sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đang bị đẩy lùi ngay trên sân nhà. Đà tăng trưởng sức mua đối với xe tải là khá rõ ràng, song tỷ lệ tăng trưởng giữa xe CKD với xe CBU đến từ Trung Quốc lại rất chênh lệch.

Đơn cử, tỷ lệ tăng trưởng xe thương mại (chủ yếu là xe tải) lắp ráp trong nước 4 tháng đầu năm đạt 81% thì tỷ lệ tăng trưởng xe thương mại (chủ yếu là xe tải) từ Trung Quốc cùng giai đoạn lên đến 300%.

Đây rõ ràng là một sức ép vô cùng lớn đối với ngành công nghiệp ôtô trong nước mà xe tải chính là một sở trường, hay nói chính xác hơn, xe tải là mảng sản phẩm mà các doanh nghiệp đủ sức sản xuất nhất.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, theo quy định của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) mà Việt Nam là một thành viên tích cực, ngay từ năm 2012 thuế suất thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng trong đó có ôtô tải từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bắt đầu giảm mạnh.

Lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với khu vực này dù chậm hơn so với Hiệp định Thương mại hàng hóa ATIGA song lại nhanh hơn khá nhiều so với lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate