Hiện tượng lệch nhịp giữa hai chỉ số lúc này lại nghiêng về phía VN-Index. Chỉ số chính được nâng đỡ tốt hơn đáng kể trong phiên chiều và đóng cửa tăng 0,45% so với tham chiếu, tương đương 5,7 điểm. VN30-Index trái lại, rất vất vả mới có được sắc xanh lúc đóng cửa.
Điều đặc biệt nữa hiện tượng lệch nhịp còn xuất hiện giữa các chỉ số VNMidcap và VNSmallcap với VN30. Cả hai chỉ số của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng rất tốt, tương ứng 1,37% và 1,32% trong khi VN30-Index chỉ tăng 0,01%.
Nguyên nhân là VN30 đang chịu tác động mạnh từ nhóm trụ của chỉ số này. HPG, cổ phiếu vốn hóa thứ 2 trong VN30-Index đóng cửa giảm tới 1,5%. VIC giảm 0,33%, MWG giảm 3,07%, MSN giảm 1,5%, NVL giảm 2,62%, VCB giảm 2,22%, CTG giảm 1,33%, FPT giảm 1,78%, STB giảm 1,87%.
Tác động của vốn hóa trong VN30 là khá rõ khi độ rộng của rổ này cuối phiên còn tốt, nhờ 18 mã tăng và 11 mã giảm. Số tăng có ít mã nổi trội, đáng kể là TCB tăng 1,2%, VPB tăng 1,5%, VNM tăng 1,36%, VHM tăng 1,86%.
Thị trường hôm nay giao dịch tích cực hơn hẳn những phiên trước khi có độ rộng chung thay đổi. Sàn HSX đóng cửa với 257 mã tăng/162 mã giảm. Suốt cả tuần chỉ có hôm nay độ rộng mới tốt như vậy.
Độ rộng tốt là do hai nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch khởi sắc về giá. Chỉ số Midcap chốt phiên tăng 1,37%, chỉ số Smallcap tăng 1,32%. Tuy vậy nếu so với thời điểm cuối phiên sáng thì hai nhóm cổ phiếu này không có tiến triển rõ rệt. Cuối phiên sáng Midcap đã tăng 1,64%, Smallcap tăng 1,25%.
Ngoài ra, thanh khoản phiên chiều ở các mã vừa và nhỏ không tích cực thêm. Đến cuối phiên sáng hai rổ này đã giao dịch tương đương 70-71% giá trị khớp của ngày hôm qua. Thế nhưng đến hết phiên, giá trị khớp rổ Midcap vẫn giảm gần 2%, Smallcap giảm 4%.
Mặc dù vậy vẫn có nhiều cổ phiếu trong hai rổ này giao dịch rất tích cực với thanh khoản cao và giá tăng tốt. Nhóm Midcap tiêu biểu có KBC kịch trần với 231,8 tỷ đồng giá trị khớp lệnh; DXG tăng 4,28%; GEX tăng 3,48%; DIG tăng 1,99%, FLC tăng 4,96%... đều có giá trị khớp vượt 100 tỷ đồng. Nhóm Smallcap nổi bật là HDC tăng 4,38%, SHI tăng 1,99%, LDG kịch trần, KSB tăng 5,08%, HAX kịch trần, DPG tăng 4,17%, DCL kịch trần... Những mã này cũng giao dịch tối thiểu 30 tỷ đồng trở lên.
Trong nhóm blue-chips, giao dịch ấn tượng nhất nhóm ngân hàng là BID và VPB. Hai mã này có hai thái cực khác nhau. BID kịch trần rất sớm từ cuối phiên sáng và giữ nguyên tới hết phiên. VPB có màn lội ngược dòng thanh công buổi chiều và đóng cửa tăng 1,5%, tiếp tục nối dài xu hướng từ đầu tháng 2/2021.
BID hôm nay cũng rất có thể lập được kỷ lục lịch sử về thanh khoản nếu như nhà đầu tư bán ra nhiều hơn, vì cổ phiếu này được chặn mua trần rất lớn. Dù vậy nếu tính thanh khoản theo giá trị giao dịch thì hôm nay BID đã có kỷ lục, với 571,9 tỷ đồng. VPB tiếp tục giữ ngôi vị số 1 về thanh khoản, với 2.840 tỷ đồng. Hai cổ phiếu thanh khoản rất lớn khác là HPG và STB thì giá đều giảm.
VN30 hôm nay đạt giá trị khớp lệnh tới 13.348,6 tỷ đồng, tăng 4,9% so với hôm qua và gần sát ngưỡng kỷ lục lịch sử cách đây 2 tuần (13.821,8 tỷ đồng). Tuy nhiên do cả Midcap lẫn Smallcap giảm thanh khoản nên mức giao dịch chung ở HSX không tăng, đạt 21.148,9 tỷ đồng. Sàn HNX trái lại, tăng giao dịch tới 22,1% về giá trị, đạt 3.119,6 tỷ đồng nhờ 4 cổ phiếu hàng đầu là SHB, THD, SHS và VND giao dịch cực mạnh.
Như vậy chính chung hai sàn, mức khớp lệnh hôm nay lần thứ 2 trong lịch sử đạt ngưỡng tỷ USD sau phiên ngày 13/4 vừa qua. VN-Index tăng 5,71 điểm lên 1.283,93 điểm, tiếp tục vươn lên đỉnh cao lịch sử mới nếu tính theo giá đóng cửa.
Nhà đầu tư nước ngoài giảm nhiệt bán ra, phiên này chỉ còn rút ròng 294,9 tỷ đồng. Sàn HNX được mua ròng 78,2 tỷ đồng. HPG vẫn bị bán ròng lớn nhất ới 203,9 tỷ, VIC thứ hai với 104,6 tỷ. Phía mua ròng nổi bật là VHM với 76 tỷ đồng.