Philippines đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về khởi động đàm phán song phương vấn đề biển Đông, do Bắc Kinh đưa ra điều kiện là sẽ không được thảo luận về phán quyết mà tòa quốc tế công bố mới đây, với nội dung phủ nhận các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển này.
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố ngày 19/7 của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói, ông đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề một hội nghị thượng đỉnh Á-Âu diễn ra vào cuối tuần vừa rồi.
Tại cuộc gặp, sau khi ông Yasay đề cập đến phán quyết mà tòa quốc tế đưa ra vào tuần trước, thì phía Philippines kết luận rằng sẽ không có cuộc đàm phán song phương nào giữa hai bên về vấn đề biển Đông.
Trung Quốc vẫn một mực bác bỏ vụ Philippines kiện nước này về các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, và sau khi phán quyết của vụ kiện được công bố, Bắc Kinh tiếp tục giữ quan điểm không công nhập và không chấp nhận. Trung Quốc tuyên bố sẽ không thay đổi các tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông.
“Họ nói rằng nếu Philippines vẫn khăng khăng đòi Trung Quốc chấp nhận phán quyết và thảo luận về phán quyết này, thì đối đầu sẽ xảy ra”, ông Yasay cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài ABS-CBN.
Ngoại trưởng Philippines cũng nói người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất đàm phán song phương, nhưng chỉ về những vấn đề “bên ngoài hoặc không liên quan đến phán quyết của tòa trọng tài”.
Ông Yasay đã từ chối, vì cho rằng làm như vậy không phù hợp với lợi ích cua Philippines.
Những gì mà ông Yasay nói về cuộc gặp với ông Vương Nghị cho thấy thách thức đối với Philippines, một đồng minh của Mỹ, trong việc buộc Trung Quốc tuân thủ với phán quyết của tòa quốc tế trong vụ kiện biển Đông.
Ông Yasay nói rằng Philippines muốn thực hiện dần từng điểm một trong phán quyết, nhưng trước mắt nước này đã đề nghị phía Trung Quốc ngừng quấy rối ngư dân đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scaborough.
Ngoại trưởng Philippines hy vọng phán quyết của tòa quốc tế sẽ dẫn tới một tuyên bố chung của các nước Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, và một tuyên bố chung như vậy sẽ giúp ích cho các quốc gia khác trong khu vực cùng có tranh chấp với Trung Quốc.
“Chúng tôi chưa đàm phán song phương với bất kỳ nước nào”, ông Yasay nói. “Nhưng tôi muốn xem làm thế nào đạt được một số thỏa thuận tạm thời nhất định để dẫn tới các thỏa thuận song phương hoặc đa phương trong trường hợp cần thiết”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate