Năm 2022 có thể nói là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng. Đặc biệt là khi chính sách tiền tệ cùng lúc phải thực thi nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau.
ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ HẾT SỨC CHỦ ĐỘNG LINH HOẠT
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hết sức chủ động, linh hoạt theo sát diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiềm chế lạm phát đạt mục tiêu như Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối được duy trì ổn định, vững vàng trước những biến động bất thường của thị trường toàn cầu.
Chia sẻ với báo chí gần đây, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết sang năm mới 2023, bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Trong nước, mặc dù lạm phát hiện vẫn đang được kiểm soát, nhưng áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023.
Theo ông Hà, lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo).
Cụ thể, về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước.
Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.
Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, ông Hà cho biết thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ
Đồng thời, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, Nhà điều hành sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
2023: SẼ KHÔNG HẠ CHUẨN TÍN DỤNG
Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.
“Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”, Phó thống đốc nói.
Đối với các tổ chức tín dụng, Phó thống đốc cho rằng, những thách thức lớn từ thị trường thế giới cũng như trong nước đòi hỏi các thành viên trong hệ thống cần quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của Ngành để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh sẵn sàng thích ứng với các rủi ro, bất trắc có thể xảy ra trong năm 2023.
Theo đó, các tổ chức tín dụng cần tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tăng cường giám sát, tuân thủ các quy định, chuẩn mực trong hoạt động ngân hàng; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng quản trị theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng tín dụng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định sẽ không hạ chuẩn tín dụng nhằm kiểm soát chất lượng nợ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tối ưu hóa việc sử dụng vốn để tăng nhanh vòng quay tín dụng; quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu.
Phó thống đốc cũng nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng cần tích cực, chủ động đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt, tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, trong bối cảnh hệ số sử dụng vốn thị trường 1 của hệ thống ở mức cao, mặt bằng lãi suất huy động một số tổ chức tín dụng có xu hướng tăng, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo cân đối được nguồn vốn, không tạo áp lực lên thanh khoản và lãi suất thị trường trong quá trình cấp tín dụng cho nền kinh tế.