Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều ngày 29/5, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu đã nêu.
Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp, ngành địa phương, kinh tế xã hội năm 2023 đã có nhiều thay đổi tích cực, được các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao. Nhất là tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, thu ngân sách nhà nước.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6.
Phó Thủ tướng nhận định, cùng với những khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng, đặc biệt là chương trình phục hồi, phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.
"Các đại biểu nêu vấn đề doanh nghiệp rất khó khăn, do đó trong báo cáo cũng như trong định hướng, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất... để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp", Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội, nếu được thông qua giảm thuế 2%, quy mô giảm khoảng 24.000 tỷ đồng và cả năm có thể giảm, miễn giảm khoảng 190.000 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn khoảng 92.000 tỷ đồng và miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng.
Liên quan đến những động lực tăng trưởng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, với những mức tăng trưởng mà Việt Nam đã đạt được là khá cao so với các nước trong khu vực trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Đối với các gói đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai và cũng được Quốc hội cho phép thúc đẩy giải ngân để phát huy được hiệu quả.
"Chương trình này đến thời điểm hiện tại dù còn một số khó khăn nhưng đánh giá tổng thể vẫn có thể đạt được thành công, góp phần tăng GDP năm 2023 đạt 5,05% và quý 1 cũng đã đạt 5,66%", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong 2 năm trở lại đây, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Chính phủ cũng từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công, kích hoạt vốn đầu tư tư trong hình thức đối tác công-tư, đạt nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán ký kết các hiệp định hợp tác FTA… để kích cầu thị trường trong nước.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận sau giải trình của 5 thành viên đại diện Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng nêu những bất cập, hạn chế và đề nghị nhận diện rõ hơn những thách thức để có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024.
Qua tình hình kinh tế xã hội các tháng đầu năm 2024, các đại biểu đề nghị bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, có giải pháp để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển bền vững…
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, đảm bảo thống nhất, công bằng, đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động...
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ để đưa các nội dung quan trọng vào Nghị quyết chung của kỳ họp.