November 06, 2020 | 15:58 GMT+7

Phó Thủ tướng: "Mua vắc-xin Covid-19 sớm rất khó và chưa có gì chắc chắn"

Quang Trung

Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam hiện đang phát triển 4 vắc-xin Covid-19 và nhanh nhất cuối năm 2021 mới sản xuất được

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: TTXVN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: TTXVN.

Sáng 6/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề phòng chống dịch và vắc-xin Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc mua vắc-xin sớm trên thế giới không hề dễ và tồn tại nhiều rủi ro.

Theo Phó thủ tướng, thế giới hiện có 150 ứng viên vắc-xin Covid-19 được phát triển, trong đó 32 vắc-xin đang thử nghiệm trên người (10 vắc-xin đã thử nghiệm vòng 3). Trung Quốc, Mỹ có 4 vắc-xin còn Nga, châu Âu và Anh đều có 1. 

Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Vắc-xin Toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có Việt Nam, với tham vọng cung cấp vắc-xin có trợ giá - khoảng 4 USD/2 liều. Tuy nhiên, hiện tại chưa có công ty sản xuất nào cam kết cung cấp vắc-xin cho liên minh này. Và nếu có thì cũng chỉ cung cấp được cho tối đa 20% dân số thế giới. 

Việt Nam cũng đang làm việc trực tiếp với một số đối tác, gồm cả Trung Quốc và Nga, để mua vắc-xin và cả với các công ty. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận việc đặt mua vắc-xin sớm trên thế giới rất khó. 

"Việc mua vắc-xin sớm không hề dễ bởi hiện tại nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất, và không có gì chắc chắn cả. Chính phủ các nước muốn mua của các công ty phải đặt cọc, trả tiền trước, rủi ro rất cao vì mọi thứ vẫn là tương lai", Phó Thủ tướng cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có 4 vắc-xin Covid-19 đang được phát triển, với 2 đơn vị "đi trước" dự kiến thử nghiệm vắc-xin vòng 1 trên người vào cuối năm nay. Như vậy vắc-xin nội địa của Việt Nam nhanh nhất phải tới cuối năm 2021 đầu 2022 mới sản xuất được.

Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định giải pháp căn cơ nhất hiện nay là phòng dịch và chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp như 5K của Bộ Y tế. Tất cả cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, chợ, nhà máy, công sở phải đảm bảo giải pháp chung sống an toàn với dịch. Các cơ sở phải tự phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đến nay đã kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh, cả trái phép và hợp pháp như chuyên gia vào để phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta đã đón khoảng 200.000 người vào Việt Nam, gồm các chuyên gia, lao động, sinh viên, người Việt Nam từ các nước có dịch về nước. 



Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate