Ngày 16/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ quản lý, điều hành của Nhà nước sẽ thay đổi toàn bộ quy trình, thủ tục và nhất là thói quen, tư duy người đứng đầu, “đòi hỏi phải gương mẫu từ trên xuống, từ trong ra”.
Công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng 21/25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố và Cổng dịch vụ công các bộ, ngành.
Phó thủ tướng cho rằng việc triển khai Đề án 06 phải thiết thực, đòi hỏi sự quyết tâm, trước hết là vượt qua “tư duy cục bộ” của các bộ, ngành và những vướng mắc về pháp luật, đồng thời cần quán triệt nguyên tắc “dùng chung” cơ sở dữ liệu.
Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, được chọn làm điểm, làm mẫu trên cả nước trong thực hiện Đề án 06. Do đó, thành phố cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện từng bước chắc chắn. Các sở, ngành “phải bước qua mọi cục bộ” để phối hợp chặt chẽ, lập các nhóm công tác liên ngành nhằm xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh.
Gợi mở cách làm mới để người dân không bắt buộc phải đến cơ quan công an trong thực hiện cấp định danh điện tử, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội, nghiêm túc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để người dân “giảm thời gian và chi phí, bớt đi lại” khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Đồng thời, cán bộ, viên chức có thời gian, điều kiện tiếp xúc gần gũi với người dân nhiều hơn nữa.
Báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, cho biết UBND thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong đó xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, kèm theo danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Thành lập Ban Chỉ đạo 06 thành phố để trực tiếp chỉ đạo triển khai trên toàn thành phố; phân công, phân cấp và xác định thời gian, lộ trình, trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị.
Đến nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06. Toàn thành phố có 5.859 ban chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.
Hiện Hà Nội đang triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn và bảo đảm theo quy định tại Điều 25 Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung) và đã thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống chuyên ngành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật hiện nay.
Hà Nội đã tái cấu trúc quy trình điện tử, hoàn thành tích hợp 3 dịch vụ công (gồm: Đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử) và thực hiện khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân trên địa bàn thành phố.
Đối với nhóm phát triển công dân số, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3,4 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đối với căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu. Tính đến ngày 24/8/2022, toàn thành phố đã cập nhật 191.566 thẻ CCCD. Trong đó, đã trả 135.451 thẻ CCCD cho công dân.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Cư trú. Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định đối với các thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ phải nộp hoặc xuất trình là Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú giấy để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện quy định của Luật cư trú (thời điểm 31/12/2022, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng).
Kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin khác. Kiến nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước…