Sự tăng trưởng “nóng” của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ – một trong những thị trường tài chính lớn và quan trọng nhất thế giới – đang khiến giới tài chính Phố Wall lo ngại.
Trái phiếu chính phủ được xem là loại chứng khoán an toàn và dễ giao dịch nhất trên Phố Wall. Nhưng hiện tại, nhiều người đang lo lắng về sự bất ổn khi thị trường này đang tăng trưởng quá nóng.
Theo tờ báo Wall Street Journal, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ đến nay, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ phát hành hàng năm đã tăng gần gấp đôi. Giới phân tích nhận định xu hướng này sẽ còn tiếp tục nóng lên bởi chi tiêu của Chính phủ được dự báo tăng lên bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay.
Khi Chính phủ Mỹ không thu đủ thuế để chi tiêu, Bộ Tài chính sẽ phát hành trái phiếu để lấp đầy chỗ trống đó. Năm ngoái, bộ này huy động ròng 2,4 nghìn tỷ USD để trang trải thâm hụt ngân sách.
Kể từ cuối năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng hơn 60%, lên 27 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Quy mô thị trường hiện lớn gấp gần 6 lần so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
“Chính phủ thâm hụt ngân sách hơn 2 nghìn tỷ USD – con số tương ứng một lượng trái phiếu khổng lồ được phát hành ra thị trường”, ông Stephen Mira, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ từng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19, đánh giá.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính chi tiêu của Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, khi dân số giá hóa làm tăng chi phí của các chương trình phúc lợi như An sinh Xã hội và Medicare. Lãi suất tăng cũng có thể khiến lượng trái phiếu được phát hành tăng lên.
Năm 2024, Chính phủ Mỹ dự kiến phải trả 870 tỷ USD tiền lãi cho trái chủ, một con số cao lịch sử và thậm chí cao hơn ngân sách dành cho quốc phòng.
Lượng trái phiếu chính phủ mới tăng vọt đã gây ra một đợt biến động mạnh trên thị trường vào mùa thu năm ngoái, khiến Bộ Tài chính Mỹ chuyển sang phát hành nhiều trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn. Giá trị phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn (từ 1 năm trở xuống) đã tăng lên chiếm tỷ trọng 22,4% tổng dư nợ, cao hơn mức giới hạn 20% do Ủy ban Cố vấn Vay nợ Trái phiếu (TBAC) của Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, về phía nhà đầu tư, nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ vẫn lớn. Phần bù kỳ hạn (term premium) – phần lợi suất mà nhà đầu tư đòi hỏi thêm khi mua những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn – trên thực tế đang ở mức âm.
Một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn ổn định là nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn thay thế. Khi đại dịch khiến lãi suất giảm xuống mức gần 0%, nhiều công ty đã phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, nhưng sau đó làn sóng này nhanh chóng lắng xuống khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp gần như đóng băng khi thị trường bất động sản Mỹ trở nên đắt đỏ nhất trong nhiều thập kỷ.
Dù nhu cầu không giảm, thành phần nhà đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ đã có sự thay đổi. Nhiều năm qua, các ngân hàng Mỹ đã giảm mua trái phiếu chính phủ do các quy định hậu khủng hoảng tài chính ngày càng được thắt chặt. Do đó, các quỹ phòng hộ, quỹ thị trường tiền tệ và nhà đầu tư nước ngoài hiện là các nhà đầu tư chính của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Trong đó, các quỹ thị trường tiền tệ với dòng tiền đầu tư cao kỷ lục thời gian qua đã gom số lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ. Các quỹ phòng hộ chủ yếu lấp đầy khoảng trống mà Fed để lại sau khi ngân hàng trung ương Mỹ giảm lượng trái phiếu nắm giữ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, dù thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài vẫn đều đặn mua trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng lượng mua giảm do đồng USD mạnh và nguồn cung trái phiếu chính phủ chất lượng cao trên thế giới tăng lên. Trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tay nhà đầu tư nước ngoài đã giảm xuống mức chiếm dưới 25% tổng dư nợ, giảm từ mức hơn 30% năm 2015.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh không ảnh hưởng nhiều tới các nhà đầu tư Nhật. Lãi suất ở quanh 0% ở Nhật khiến họ phải tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài và trái phiếu chính phủ Mỹ là kênh đầu tư được ưa chuộng. Giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà các nhà đầu tư Nhật đang nắm giữ hiện là 1,2 nghìn tỷ USD. Năm 2019, Nhật vượt qua Trung Quốc trở thành chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Chính phủ Mỹ.