June 11, 2008 | 16:30 GMT+7

Phố Wall: Một ngân hàng nữa sắp “ra đi”?

Kiều Oanh

Lehman Brothers rốt cục có thể sẽ đối mặt với số phận tương tự như Bear Stearns: bị một đối thủ khác nuốt gọn

Tin đồn bị mua lại đã bám đuổi Lehman Brothers kể từ khi ngân hàng này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kể từ năm 1994.
Tin đồn bị mua lại đã bám đuổi Lehman Brothers kể từ khi ngân hàng này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kể từ năm 1994.
Đầu tuần này, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers công bố khoản thua lỗ dự kiến 2,8 tỷ USD cho quý 2 năm nay.

>>Quanh sự sụp đổ của Bear Stearns

Với kế hoạch huy động vốn 6 tỷ USD, có vẻ như Lehman sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính từng xảy ra với Bear Stearns. Tuy nhiên, không ít nhà quan sát đã lên tiếng cảnh báo rằng, ngân hàng “em út” xét về quy mô trong số những ngân hàng chính ở Phố Wall này rốt cục có thể sẽ đối mặt với số phận tương tự như Bear Stearns: bị một đối thủ khác nuốt gọn.

Tin đồn bị mua lại đã bám đuổi Lehman Brothers kể từ khi ngân hàng này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kể từ năm 1994. Mới chỉ vài tháng sau khi IPO, cổ phiếu của Lehman đã giảm mạnh, khiến không ít người cho rằng một công ty bảo hiểm có tên Travelers sẽ sớm nhảy vào mua lại Lehman với mức giá hời. Năm 1998, các nhà đầu tư cũng có dự báo tương tự đối với Lehman khi quỹ phòng hộ Long Term Capital của ngân hàng này sụp đổ, làm dấy lên nỗi lo ngại về một vụ phá sản. Song Lehman vẫn tồn tại từ đó đến nay.

Tuy nhiên, lần này, có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, Giám đốc điều hành (CEO) Richard Fuld đã mạnh tay “cải tạo” Lehman từ chỗ chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh trái phiếu thành một tập đoàn tài chính với hoạt động đa dạng. Ở một vài phương diện, chính sách này đã phát huy hiệu quả. Đến năm 2007, doanh thu từ lĩnh vực trái phiếu chỉ còn chiếm 31% trong tổng doanh thu của Lehman, so với con số 66% trong năm 1998.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Lehman - với rất nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh trái phiếu, tới bảo lãnh phát hành chứng khoán, tới mua bán và sáp nhập (M&A) - đã không còn phù hợp trong môi trường kinh doanh hiện nay, nơi đòi hỏi một tập đoàn tài chính như Lehman hoặc phải có sức mạnh, hoặc phải có quy mô lớn.

Lehman không có những thế mạnh thực sự của một công ty tư vấn như Lazard, và cũng chẳng có nguồn lực và quy mô khổng lồ của một ngân hàng thương mại như JP Morgan Chase hay Bank of America - những đối thủ dẫn đầu thị trường trong nhiều lĩnh vực. Theo các nhà phân tích, Lehman cần có bảng cân đối kế toán lớn hơn mới có thể phù hợp với lĩnh vực hoạt động đa dạng của ngân hàng này.

Vấn đề đặt ra lúc này là tập đoàn tài chính nào sẽ là khách hàng tiềm năng trong việc mua lại Lehman, khi mà giá cổ phiếu của Lehman hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây? JP Morgan Chase và Bank of America là những tập đoàn có tiềm lực tài chính, nhưng lại đang bận rộn với những vụ mua lại gần đây. Một “vị cứu tinh” khác là Wells Fargo lại không muốn “dính vào” lĩnh vực ngân hàng đầu tư.

Thực tế này khiến các tập đoàn ngoại như HSBC hay Barclays của Anh có thể nhảy vào cuộc chơi. Mặc dù đều đang có những chuyện “đau đầu” riêng, cả HSBC và Barclays đều đang có kế hoạch mở rộng tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, mua lại Lehman là chuyện không đơn giản. Không giống như Bear Stearns - ngân hàng có thế mạnh trong lĩnh vực thanh toán và môi giới, Lehman có ít đặc điểm xuất chúng. Lĩnh vực kinh doanh trái phiếu từng một thời là niềm tự hào của Lehman đã yếu đi nhiều kể từ khi ngân hàng này chuyển mạnh sang lĩnh vực chứng khoán dưới chuẩn lắm rủi ro. Ngoài ra, giám đốc phụ trách mảng trái phiếu của Lehman là Rick Rieder mới đây đã rời khỏi tập đoàn để mở một quỹ phòng hộ.

Trong khi đó, Lehman lại yếu kém so với Morgan Stanley và Goldman Sachs trong lĩnh vực M&A, và chỉ được liệt vào ngân hàng tầm trung trong lĩnh vực này. “Lehman không có lịch sử lâu đời trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư để có thể vươn lên trong môi trường hiện nay”, một nhà phân tích nhận xét.

Mặt khác, lịch sử “hôn nhân” của Lehman cũng khá phức tạp. Khi American Express mua Lehman vào năm 1984, đó là một vụ sáp nhập thiếu tính phù hợp khi văn hóa doanh nghiệp của hai bên quá khác nhau - một bên là Lehman đầy tính linh hoạt, còn một bên là American Express “trầm tư”. Các nhà lãnh đạo của hai bên đã xung đột với nhau đủ mọi thứ từ chuyện lương thưởng tới những quyết định quan trọng. Sau 10 năm “sống chung” đầy sóng gió, hai bên đã chính thức nói lời chia tay.

Một số nhà phân tích cho rằng, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn đối với một vụ mua lại Lehman, thời gian của Lehman với tư cách một ngân hàng độc lập có thể còn lại không nhiều. Và có thể, Lehman sắp “đi theo” Bear Stearns.

(Theo Business Week)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate