Cơ quan thẩm tra cho biết đã rất “lao tâm khổ tứ” để tiếp thu, chỉnh lý, song nhiều quy định tại dự luật Phòng chống mua bán người vẫn được cho là khó khả thi.
Sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này.
Một trong những nội dung còn có nhiều loại ý kiến khác nhau ngay từ khi dự thảo luật mới được trình đến tận phiên thảo luận hôm nay là quy định về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Theo dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ ban đầu (một lần) để họ có điều kiện sớm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại dự thảo luật mới nhất, các chế độ hỗ trợ này đã được quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, không phải bất cứ nạn nhân nào cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định như là người thuộc hộ nghèo và phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý bỏ quy định chế độ hỗ trợ vay vốn. Nếu nạn nhân bị mua bán trở về có nhu cầu vay vốn thì áp dụng theo quy định chung về hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo và các quỹ khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: hỗ trợ văn hóa đến mức độ nào, để biết chữ hay có một trình độ nhất định, rất khó, lấy kinh phí đâu?
Với học nghề và kinh phí hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân, ông Hiển cũng lo ngại là ban đầu bao giờ cũng nói là do các tổ chức xã hội đảm nhận, sau đó dần dần đề nghị ngân sách hỗ trợ, sau đó lại cần ngân sách đảm bảo…
Bài “đánh lấn” thế này đã thấy nhiều trong thực tiễn rồi, sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách. Tất cả điều luật đưa ra phải tính tới yếu tố khả thi của nó, ông Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng cần rà lại chính sách liên quan đến nguồn lực tài chính. Tránh tình trạng quy định thì nhân văn nhưng không thể thực hiện được.
Ông Thuận cũng hơn một lần bày tỏ là không yên tâm với một số điểm “càng tiếp thu càng tù mù”. Như hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan đến mua bán người, khi tại dự thảo báo cáo giải trình vẫn còn tới hai phương án thể hiện.
Dự án luật Phòng chống mua bán người sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 3 tới.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate