August 13, 2024 | 10:00 GMT+7

Phong trào phản đối quá tải du lịch có thể lan rộng khắp châu Âu?

Tường Bách -

Không dừng lại ở Barcelona, hàng nghìn người Tây Ban Nha đã tổ chức biểu tình phản đối du lịch “vượt ngưỡng” ở các thành phố Malaga, Mallorca, Gran Canaria, Granada... Có vẻ như, sự bức xúc của người dân đã lan rộng hầu khắp châu Âu…

Người dân thành phố Palma de Mallorca tràn ra đường để phản đối du lịch đại trà. Ảnh: Reuters
Người dân thành phố Palma de Mallorca tràn ra đường để phản đối du lịch đại trà. Ảnh: Reuters

Tình trạng quá tải du lịch đã trở thành một vấn đề thực sự cần quan tâm sau đại dịch Covid-19. Một số người cho rằng sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội đã có tác động lớn đến ngành du lịch. Mạng xã hội dường như đang tạo ra một cuộc ganh đua, khiến mọi người tìm đến những địa danh nổi tiếng hoặc đang là xu hướng. Để có hình ảnh đăng lên mạng xã hội như những người khác, du khách dễ dàng chấp nhận sự đông đúc.

Do đó, các tour du lịch, điểm tham quan đã được nhiều người thử nghiệm và chứng minh thường được ưu tiên hơn, thay vì những nơi ít người biết đến. Những điểm đến quen thuộc cũng mang đến kỳ vọng nhận được giá trị tương xứng với số tiền mà du khách bỏ ra. Điều này củng cố nguyên tắc cơ bản của tình trạng quá tải: rất nhiều người quyết định đến cùng một nơi vào cùng một thời điểm.

Với các thành phố ở châu Âu, người dân đã quá chán ngán tình trạng này, nên dẫn đến các biện pháp cực đoan như biểu tình đuổi khách, thậm chí là tuyệt thực. Ông Peter DeBrine, một quan chức dự án cấp cao về du lịch bền vững tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), cho rằng có những điểm đến đang quá tải vượt qua ngưỡng chịu đựng.

Với các thành phố ở châu Âu, người dân đã quá chán ngán tình trạng này.
Với các thành phố ở châu Âu, người dân đã quá chán ngán tình trạng này.

Hồi tháng 7, một cuộc biểu tình phản đối du lịch ở thành phố Palma de Mallorca đã thu hút sự tham gia của khoảng 10.000 người. Đoàn người biểu tình mong muốn ít khách du lịch hơn trong bối cảnh giá cả tăng vọt và áp lực lên các dịch vụ công. Cũng trong tháng 7, tại Barcelona, 2.800 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối du lịch. Đám đông đã có hành động cực đoan khi diễu hành qua các điểm du lịch nổi tiếng hô vang khẩu hiệu “Khách du lịch hãy về nhà” và phun nước vào du khách. Tại Hà Lan, Hy Lạp cũng chứng kiến những cuộc tuần hành phản đối du khách của người dân địa phương.

Theo CNN, làn sóng biểu tình phản đối du lịch ở châu Âu là hệ quả của tình trạng quá tải du lịch diễn ra nhiều năm gần đây. Người dân địa phương không còn chịu đựng được cảnh môi trường sống bị ô nhiễm, giá nhà thuê tăng vọt, khiến cơ hội sở hữu nhà của họ càng ít hơn, không gian sống bị thu hẹp, giao thông quá tải, thực phẩm cũng đắt đỏ hơn... Theo báo cáo của Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni, giá thuê nhà tại thành phố này đã tăng 68% trong thập kỷ qua. Tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều thành phố ở châu Âu.

Vấn đề cốt yếu hơn đó là lợi nhuận từ du lịch thực tế chỉ làm giàu cho một số ít người, như các công ty du lịch, các nhà đầu tư khách sạn, nhà hàng, sòng bạc, cung cấp dịch vụ vận chuyển, trong khi phần tới tay người dân địa phương là không đáng kể. Bà Antje Martins, chuyên gia về du lịch bền vững từ Đại học Queensland cho rằng, các cuộc biểu tình phản ánh sự bất mãn sâu rộng hơn về ngành du lịch không được quản lý bền vững. Theo bà, các hành động phản kháng này không nhằm vào du khách mà là kết quả của việc cư dân địa phương không nhận được lợi ích từ ngành du lịch.

Tại Barcelona, đám đông đã có hành động cực đoan khi diễu hành qua các điểm du lịch và hô vang khẩu hiệu “Khách du lịch hãy về nhà”.
Tại Barcelona, đám đông đã có hành động cực đoan khi diễu hành qua các điểm du lịch và hô vang khẩu hiệu “Khách du lịch hãy về nhà”.

Chẳng hạn, mức tăng trưởng du lịch quá nóng tại Hy Lạp nhiều khu vực ở Athens và Attica hiện đang bị biến thành nhà cho thuê ngắn hạn, trong khi các gia đình nghèo và sinh viên ở khu vực này đang bị đẩy ra những khu vực xa trung tâm. Bà Katerina Kikilia, Giáo sư Quản lý Du lịch tại Đại học West Attica cho biết mặc dù cơ sở hạ tầng lưu trú như khách sạn, nhà hàng đã ở mức phát triển, nhưng cơ sở hạ tầng còn lại của thành phố vẫn chậm trễ. Ở các khu vực đô thị, khách du lịch đang trực tiếp tác động đến việc di dời cư dân lâu năm ra khỏi trung tâm và làm thay đổi bản chất của các khu phố.

Trước sức ép gia tăng, một số thành phố ở châu Âu đã phải thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế lượng du khách. Tại thành phố Marseille, Pháp, Vườn quốc gia Calanques áp dụng hệ thống đặt chỗ, giới hạn tối đa 400 du khách tham quan mỗi ngày vào mùa hè. Tại Italy, thị trấn Cinque Terre bên bờ Địa Trung Hải có biện pháp giảm lượng du khách đại trà rất sáng tạo khi ra lệnh cấm đi dép xỏ ngón. Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni đã đề xuất tăng thuế du lịch đối với hành khách đi du thuyền và chấm dứt giấy phép của khoảng 10.000 căn hộ cho thuê ngắn hạn. 

Chính quyền thành phố Athens gần đây cũng đã đề xuất biện pháp phân bổ lại khoản "phí phục hồi" 10 euro/ngày mỗi khách từ các khách sạn 5 sao cho chính quyền thành phố để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực. Tại Đan Mạch, thủ đô Copenhagen có sáng kiến mới mang tên CopenPay, du khách tham gia các sáng kiến xanh của thành phố như đạp xe, đi tàu và dọn rác, hoặc tình nguyện làm việc tại các trang trại đô thị... sẽ được thưởng “quyền truy cập” nhiều trải nghiệm văn hóa phong phú.

Thành phố Athens luôn trong tình trạng quá tải du khách, khiến cư dân lâu năm phải di dời ra khỏi trung tâm.
Thành phố Athens luôn trong tình trạng quá tải du khách, khiến cư dân lâu năm phải di dời ra khỏi trung tâm.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế du lịch như thu phí, hạn chế số khách hay tạm thời đóng cửa các điểm tham quan vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, bởi trên thực tế, lượng du khách sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm du lịch đáng nhớ vẫn rất lớn. Điển hình, mức thuế du lịch 5,44 USD/người áp dụng hồi tháng 4 không khiến Venice yên bình hơn.

Tiếp đó, quy định mới nhất về việc hạn chế khách đoàn đầu tháng 8 tiếp tục không mang lại tác dụng cho thành phố này, theo Guardian. Simone Venturini, Ủy viên Hội đồng thành phố Venice, đánh giá ban rằng số lượng du khách tới Venice vẫn quá nhiều. "Hệ thống thu phí sẽ được đổi mới vào năm 2025 và có lẽ sẽ hiệu quả hơn khi chính quyền tăng mức giá vé tham quan và các khoản phí khác", vị này nói.

Do đó về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng, các nước châu Âu vẫn phải làm sao để cân bằng hài hòa giữa kinh tế và quyền lợi của người dân. Giải pháp lâu dài cho vấn đề này là đầu tư vào cộng đồng địa phương và cải thiện quản lý du lịch bền vững. Cách tốt nhất là bảo đảm để doanh thu từ du lịch được đầu tư vào địa phương, giúp người dân có thể hưởng lợi ích bền vững khi sống và làm việc tại chính nơi mình sinh ra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate