September 30, 2022 | 17:58 GMT+7

“Phớt lờ” cầu bộ hành, người đi bộ nói gì?

Lê Vũ

Các cầu bộ hành ở Hà Nội đều được xây dựng tại các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện, giúp người đi bộ thêm thuận lợi, an toàn khi sang đường. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người vẫn “phớt lờ” những cây cầu này và chọn cách đi tắt, len lỏi giữa làn xe đông đúc.

Không lên cầu vì… đau chân

Toàn thành phố Hà Nội hiện có 70 cầu bộ hành phục vụ người đi bộ sang đường, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện là những khu vực có mật độ giao thông đông đúc. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Auto News ngày 30/9, đa phần người dân đều không mấy mặn mà với cầu bộ hành mà sẵn sàng băng ngang dòng phương tiện giao thông ken đặc vào giờ cao điểm để băng sang đường. Mặc dù cầu bộ hành có thể phục vụ hàng trăm người cùng qua cầu, nhưng chỉ có rất ít người sử dụng.

Bà Oanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi biết là nguy hiểm, nhưng mà chân đau quá, không leo được lên cầu, đành phải đi tắt sang đường”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác không đồng tình với lý do như vậy. Chị Dịu (Hải Dương) cho biết: “Tôi lựa chọn đi trên cầu đường bộ vì vừa đảm bảo an toàn, vừa đỡ khói bụi. Việc leo cầu thang không hề tốn nhiều công sức vì số bậc thang rất ít. Những người băng sang đường trực tiếp như vậy rất nguy hiểm cho cả bản thân họ và những người tham gia giao thông khác”.

Nhiều học sinh, sinh viên đi tắt, len lỏi dưới lòng đường
Nhiều học sinh, sinh viên đi tắt, len lỏi dưới lòng đường

Tình trạng người đi bộ sang đường theo kiểu tùy tiện diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, trường học.

Tại khu vực cổng trường Học viện Ngân hàng, phố Chùa Bộc (Hà Nội), mặc dù chưa phải giờ tan học nhưng phóng viên Auto News đã ghi nhận hàng chục trường hợp sinh viên băng ngang sang đường, giữa làn phương tiện giao thông đông đúc. Có người lấy lý do đau chân, có người nói rằng đang rất vội, một số người khác thì chỉ cười trừ rồi rảo bước đi thật nhanh (!?).

Ông Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Tôi làm việc ngay đối diện cổng trường Ngân hàng và thường xuyên thấy các cháu sinh viên vô tư đi bộ, chạy sang đường. Cầu đường bộ thì chỉ cách đó 10m nhưng rất ít người lên cầu. Đặc biệt là vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, giao thông tại đây rất hỗn loạn”.

Cầu bộ hành chưa thực sự phát huy tác dụng

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu lối đi cho người đi bộ, những năm trước đây, Hà Nội đã đầu tư xây dựng hàng loạt cầu dành cho người đi bộ tại các tuyến phố: Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy … Đến nay, toàn Thành phố đã có 70 cầu bộ hành. Bước đầu, người dân đã có sự đón nhận và sử dụng cầu đi bộ để đảm bảo an toàn giao thông.

Tỷ lệ người dân đi bộ trên cầu bộ hành còn rất thấp
Tỷ lệ người dân đi bộ trên cầu bộ hành còn rất thấp.

Mặc dù vậy, tỷ lệ người dân sử dụng cầu bộ hành còn rất thấp. Đặc biệt, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên vẫn thường xuyên “phớt lờ” cầu bộ hành, thay vào đó là đi tắt, trèo qua dải phân cách để sang đường cho tiện. Điều này khiến các cây cầu bộ hành không được phát huy công năng sử dụng như mong đợi và vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

Cần có chính sách pháp luật “cứng rắn” hơn

Tại Thái Lan, có những đoạn đường được sơn chữ to để người đi bộ dễ quan sát. Những ai đi qua đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền khoảng 200USD (khoảng 4,7 triệu đồng).

Ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Nhật, có nhiều đoạn đường người đi bộ không dám băng qua. Vì nếu chẳng may bị tai nạn thì người đó không những không được bồi thường mà ngược lại phải bồi thường cho người điều khiển phương tiện giao thông.

Chế tài xử phạt đối với người đi bộ chưa đủ sức răn đe
Chế tài xử phạt đối với người đi bộ chưa đủ sức răn đe.

Còn tại Việt Nam, mức phạt cho người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được đánh giá là quá thấp, không đủ sức răn đe. Cụ thể, Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn…

“Với mức độ vi phạm giao thông còn lớn như hiện nay, lực lượng CSGT cũng không thể xử lý hết được, họ còn nhiệm vụ quan trọng hơn là điều tiết, phân luồng, giải tỏa ùn tắc. Cho nên, nhà trường, gia đình cần kiên quyết, dứt điểm hơn trong việc nhắc nhở, chấn chỉnh các em học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Nếu được, cần cân nhắc tăng mức phạt lên cao hơn nữa để tạo sức răn đe”, ông Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ thêm.

Cần xây dựng văn hóa đi bộ
Cần xây dựng văn hóa đi bộ.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội vừa giao Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate