Theo báo cáo của các Sở, ban ngành, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch đến với Phú Quốc tăng đột biến. Các khách sạn, resort ở Phú Quốc đang hoạt động tối đa công suất, tỷ lệ lấp đầy hầu như đạt 100%.
BẤT ĐỘNG SẢN NHÀ Ở CHƯA ĐƯỢC CHÚ TRỌNG
Trong những năm gần đây, phân khúc bất động sản du lịch tại Phú Quốc cũng tăng trưởng mạnh, mỗi năm cung cấp cho thị trường 2.000 – 3.000 sản phẩm, bao gồm căn hộ du lịch, biệt thự, shophouse… Đặc biệt, hệ sinh thái bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian vui chơi, giải trí tại Phú Quốc được đầu tư đa dạng, bao gồm casino đầu tiên cho người Việt vào chơi, vườn thú safari lớn nhất Đông Nam Á, cáp treo vượt biển dài nhất thế giới.
Trong tương lai không xa, Phú Quốc sẽ có thêm nhiều khu vui chơi đẳng cấp thế giới, trong đó, Vingroup đang đầu tư 2.000 tỷ đồng để mở rộng khu thuỷ cung và công viên nước; một quần thể mua sắm lớn chưa từng có ở khu vực Đông Nam Á với gần 1.000 căn shophouse sắp hoàn thành; Tập đoàn IPPG cũng được chấp thuận đầu tư khu mua sắm hàng hiệu phi thuế quan với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Tổng số dự án bất động sản đã đăng ký đầu tư tại Phú Quốc đạt 326 dự án với tổng vốn 354.700 tỷ đồng (16 tỷ USD). Qua đó đã tạo ra gần 30 khu du lịch, cung cấp gần 20.000 sản phẩm bất động sản trú.
Phú Quốc tăng tốc rất nhanh để gia nhập sân chơi nghỉ dưỡng toàn cầu nhờ sự hiện diện của những thương hiệu bất động sản du lịch, khách sạn đình đám thế giới như JW Marriott, InterContinental, Best Western, Mövenpick, Novotel…
Sự phát triển của Phú Quốc đã thu hút mạnh mẽ lượng dân cư đến Đảo Ngọc sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong bức tranh sôi động của thị trường Phú Quốc nhiều năm qua, rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng luôn chiếm ưu thế với mức giá tăng trên 15%/năm, mức hấp thụ đạt bình quân trên 60%. Trong khi đó, bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài kết hợp du lịch, đặc biệt ở khu vực trung tâm lại có nguồn cung khiêm tốn.
Giai đoạn 2015 – 2019, giá đất ở tại Phú Quốc tăng trưởng rất mạnh, hơn 50%/năm. Đất ở tại thành phố đảo chủ yếu là tại thị trấn cũ, ít có dự án nhà ở mới trong khi nhu cầu lại rất cao. Điều này dẫn đến hiện tượng xâm phạm đất nông nghiệp, lâm nghiệp… để bán và xây dựng trái phép diễn ra phổ biến tại Phú Quốc.
ĐỪNG BIẾN ĐẢO NGỌC THÀNH “ĐẢO NGẬP”
Nhiều ý kiến cũng nhìn nhận nhu cầu nhà ở đô thị tại thành phố đảo là rất lớn, tuy nhiên hiện tại, các dự án phát triển nhà ở tại Phú Quốc đang chưa được chú trọng, đặc biệt là khu nhà ở cao cấp. “Mô hình phát triển của Phú Quốc không nên chỉ gói gọn là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà phải là thành phố định cư đúng nghĩa, một đô thị hoàn chỉnh, có hoạt động sống, phát triển kinh tế… Khi phát triển đô thị là trọng tâm thì Phú Quốc phải là một cơ thể hoàn chỉnh chứ không chỉ có du lịch”, TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng khuyến cáo.
Thị trường bất động sản Phú Quốc giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ có sự phân lọc mạnh. Những dự án chất lượng kém, khả năng kinh doanh thấp sẽ khó thu hút các nhà đầu tư. Còn ở thời điểm này, chỉ có những dự án chất lượng tốt, được đầu tư bài bản, bền vững bởi những chủ đầu tư uy tín mới thu hút được đông đảo sự quan tâm và thực sự tạo hiệu quả cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính
Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thái, Giám đốc Vận hành Khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc, cho rằng cần tạo dựng những khu đô thị để trở thành nơi đáng sống. Theo đó, phải chú trọng ba yếu tố.
Đầu tiên là an ninh an toàn cho cư dân. Thứ hai là cảm giác được an cư lạc nghiệp. Các chỉ số từ môi trường, dịch vụ, giáo dục… đều được ưu tiên và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để người dân cảm nhận được chất lượng cuộc sống cao. Cuối cùng là phát triển đô thị thông minh.
Từ góc nhìn tổng quát, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phân tích: Sở dĩ Phú Quốc phát triển đến ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược, nhưng phát triển về đường dài thế nào sẽ cần bàn luận thêm nhiều vấn đề. Đặc biệt, vấn đề nước là vấn đề cần quan tâm tại Phú Quốc, chúng ta không nên biến Đảo Ngọc thành "đảo ngập" (thời gian gần đây, Phú Quốc đã xảy ra ngập nặng do việc xây dựng các dự án). Tôi cho rằng, cần đặt ra tư duy cho các nhà làm quy hoạch, không xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng.
Cũng bàn về quy hoạch, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh trong quy hoạch Phú Quốc, cần phải chú trọng tới 4 trụ cột chính.
Thứ nhất, trụ cột về công nghiệp giải trí: Hiện Phú Quốc mới có nền công nghiệp mang tính cơ bản, chưa có công nghiệp giải trí biển đảo thực sự. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, tiềm năng lớn để phát triển giải trí theo hướng giải trí biển đảo xanh, thông minh.
"Phú Quốc là một viên ngọc và ngọc thì càng mài càng sáng, tuy nhiên nếu mài không cẩn thận, ngọc cũng sẽ "tối", không phát huy được giá trị vốn có. Tôi cho rằng, cần nhìn vào lộ trình để có cách thức thực hiện an toàn và quy hoạch sẽ bám sát vào đó để điều chỉnh sao cho linh hoạt".
Ông Nguyễn Chu Hồi
Thứ hai, trụ cột về du lịch nghỉ dưỡng: Đến thời điểm hiện tại, Phú Quốc đã thu hút đầu tư được khoảng 16,7 tỷ USD và việc đầu tư đó đã đạt kết quả tốt. Mức độ phát triển kinh tế với hiệu quả cao, đóng góp 40% nguồn thu cho Kiên Giang. Đây là những nền tảng giúp cho Phú Quốc trở thành đô thị đặc sắc trong tương lai.
Thứ ba, trụ cột để xây dựng Phú Quốc thành trung tâm tài chính mới của khu vực. Đây quả thực là vấn đề không đơn giản. Các quốc gia thường xây dựng trung tâm tài chính quốc gia rồi mới xây dựng trung tâm khu vực, tạo điều kiện cho các chuyên gia tới làm việc. Tuy nhiên, việc phát triển Phú Quốc thành trung tâm tài chính phải nhằm phục vụ các hoạt động tài chính, bằng việc phát triển du lịch, công nghệ giải trí, nghiên cứu khoa học. Cần xây dựng hạ tầng, các tuyến đường, hệ thống internet tốt nhất.
Thứ tư, trụ cột để trở thành thành phố biển đảo đặc sắc, cần có trung tâm kinh tế biển. Phú Quốc có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển, ngoài công nghiệp, du lịch, giải trí cần phải cụ thể hóa, phát triển thương mại, logistics, phục vụ cơ sở hạ tầng biển.