Phú Quốc đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành "thành phố biển đảo" đầu tiên của Việt Nam. Trước ngưỡng cửa này, Phú Quốc đã gặt hái được nhiều thành công, song cũng còn không ít tồn tại phát sinh trong quá trình phát triển cần sớm ưu tiên giải quyết. Liên quan đến các nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng đã có cuộc chia sẻ thẳng thắn.
Thưa ông, vừa qua tỉnh Kiên Giang đã đề xuất Chính phủ cho phép thành lập thành phố Phú Quốc và huyện Thổ Châu. Đến thời điểm này, Phú Quốc đã chuẩn bị những gì để đón cơ hội trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam?
Nếu như được thông qua thì Phú Quốc là huyện đảo đầu tiên được công nhận là thành phố. Đến nay, Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất của Việt Nam nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc.
Có thể nói, nếu được nâng lên cấp thành phố, Phú Quốc sẽ có rất nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội để tiếp tục thu hút đầu tư. Đồng thời, xác lập thành phố Phú Quốc cũng nhắm tới việc xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở phía Tây.
Bên cạnh đó, hiện các tour tuyến du lịch kể cả lữ hành thế giới rất quan tâm tới Phú Quốc. Nếu Phú Quốc được lên thành phố thì sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt trong bối cảnh Phú Quốc đã được quy hoạch là trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ khu vực.
Vừa qua, đã có rất nhiều nhà đầu tư lớn góp phần thay đổi diện mạo Phú Quốc như Sun Group hay Vin Group… Phú Quốc đã có những cơ chế như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của huyện đảo cũng như của tỉnh Kiên Giang?
Có thể nói đến thởi điểm này, Phú Quốc là một trong những địa phương có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tốt nhất trên cả nước. Theo đó, tất cả các chính sách về đầu tư đều rất thuận lợi, đặc biệt là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cũng như thời gian thu tiền sử dụng đất.
Nhờ các chính sách ưu đãi đặc biệt, đặc thù đó, thời gian qua có rất nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Vin Group hay Bim Group đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Phú Quốc với rất nhiều dự án quy mô.
Cho đến thời điểm này, Phú Quốc đã thu hút được 304 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng lên đến 370 nghìn tỷ đồng, tương đương với 16 tỷ USD.
Có thể nói, cùng một thời điểm, Phú Quốc đã thu hút rất nhiều dự án của các nhà đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn lớn cho thấy các cơ chế, chính sách ưu đãi nổi trội đã phát huy tác dụng. Và các dự án đó bước đầu đã cho thấy những hiệu quả nhất định.
Trong quá trình phát triển vừa qua, Phú Quốc cũng gặp phải một số vướng mắc liên quan đến đất đai như sốt đất, đền bù giải phóng mặt bằng. Vậy chính quyền huyện đã giải quyết các tồn tại đó như thế nào, nhất là liên quan đến khiếu kiện đất đai của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư?
Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là một trong những công tác khó khăn nhất của nhiều địa phương, không riêng gì của Phú Quốc. Đụng đến lợi ích của người dân hay lợi ích của người bị thu hồi đất là vấn đề rất khó. Ngoài công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục cũng như có cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp cho người dân, chính quyền còn phải sớm giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án.
Cùng một lúc trong thời gian qua Phú Quốc triển khai rất nhiều dự án, chúng tôi cũng phải thu hồi đất rất nhiều, tái định cư cho người dân về chỗ ở mới… Trong quá trình đó cũng khó tránh khỏi nhiều khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Trong đó đa số họ khiếu nại về bồi thường và hỗ trợ tái định cư, đặc biệt là về giá đất cũng như nguồn gốc đất được bồi thường hoặc là được hỗ trợ.
Trong năm 2018, tổng lượng đơn của huyện đảo Phú Quốc chiếm khoảng 60-62% tổng lượng đơn của tỉnh. Trong đó chủ yếu tập trung liên quan tới công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư, liên quan đến đất đai. Năm 2019 tổng lượng đơn cũng chiếm từ 60 đến hơn 60% tổng lượng đơn của tỉnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cũng đã chỉ đạo, tăng cường lực lượng hỗ trợ cho Phú Quốc trong việc xác minh đơn, giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức, các ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân. Chủ tịch UBND tỉnh, huyện cũng tham gia giải quyết khiếu nại với mục tiêu là giải quyết tốt nhất chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu đưa Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng độc đáo mang tầm cỡ quốc tế. Phú Quốc đã, đang và sẽ làm gì để có thể cạnh tranh được với những thiên đường nghỉ dưỡng trên thế giới?
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2030, Phú Quốc là trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Xác định được tính chất và mục tiêu đó, trong thời gian qua chính quyền huyện đảo Phú Quốc đã tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh kết cấu hạ tầng. Hệ thống giao thông nội đảo, sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, hệ thống cấp điện, cấp nước, môi trường cũng đã được quan tâm đầu tư để thu hút lượng lớn nhà đầu tư đến Phú Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đã đầu tư hạ tầng du lịch như các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi giải trí cao cấp, trong đó có Vin Group, Sun Group, Bim Group… đầu tư rất nhiều dự án khách sạn, chuỗi dịch vụ du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế và đã đạt được nhiều giải thưởng cao.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến môi trường, đặc biệt là quản lý,vận chuyển, xử lý rác thải. Bên cạnh đó là tìm nhà đầu tư, nguồn vốn phù hợp để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo sự phát triển bền vững cho Phú Quốc.
Trong vòng 5-10 năm nữa, theo ông các nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào Phú Quốc?
Có thể nói, hiện các nhà đầu tư đang kỳ vọng lớn nhất vào việc Phú Quốc được nâng lên thành phố. Bởi, đó sẽ là điều kiện tốt để các nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Phú Quốc. Khi được nâng lên thành phố, có nhiều cơ chế chính sách mới được áp dụng cho Phú Quốc, kể cả cơ cấu bộ máy nhân sự.