Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế, cho biết Luật Quản lý thuế số 38 đã được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020. Toàn ngành thuế và doanh nghiệp có "bước đệm" 2 năm để chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử từ 01/7/2022.
Để đưa Luật Quản lý thuế số 38 vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và có hiệu lực từ 1/7/2022.
Đồng thời, Nghị định 123 cũng cho phép các tổ chức, cá nhân liên quan nếu có đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin được phép áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/7/2022.
Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 123.
"Mục tiêu đến tháng 11/2021 sẽ triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Khi đó các đơn vị cung cấp giải pháp sẽ có thể cung cấp các dịch vụ cho người nộp thuế để có thể sử dụng hóa đơn điện tử".
Tổng cục Thuế.
Thông tin về công tác chuẩn bị triển khai hóa đơn điện tử, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thuế cho biết, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo và quyết định triển khai hóa đơn điện tử qua 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn thứ nhất triển khai cho 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định; giai đoạn thứ hai sẽ triển khai cho 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Để triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã khẩn trương thực hiện các các nội dung nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch đề ra.
Thứ nhất, về mặt chính sách, các quy định pháp lý, Tổng cục Thuế đã hoàn thiện để ban hành quy trình quản lý hóa đơn điện tử trong nội bộ cơ quan thuế.
Đồng thời, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của hóa đơn điện tử, đây là bộ tiêu chuẩn rất quan trọng để các đơn vị đang cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử theo quy định cũ - Thông tư 32 ngày 14/03/2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, có thể kịp thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định mới tại Thông tư 78.
Thứ hai, Tổng cục Thuế đã tổ chức xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cho phép kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, cũng như cung cấp kết nối với đơn vị truyền nhận.
Mục tiêu đến tháng 11/2021 sẽ bắt đầu triển khai cho 6 tỉnh, thành phố và khi đó các đơn vị cung cấp giải pháp sẽ có thể cung cấp các dịch vụ cho người nộp thuế để có thể sử dụng hóa đơn điện tử.
Hiện nay tại 6 tỉnh, thành phố triển khai đợt này, các doanh nghiệp hầu hết cũng đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 32, trong đó, Hà Nội cũng đã có khoảng 90% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Đáng chú ý, tại hội nghị, đại diện Vụ Chính sách thuế thông tin rất kĩ về việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
Căn cứ vào các quy định này, thì việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn chứng từ giả; chưa có giá trị sử dụng hoặc đã hết giá trị sử dụng; bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn chứng từ được coi là không hợp pháp khi sử dụng hoá đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế; hoá đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hoá đơn điện tử có mã; sử dụng hóa đơn mua hàng, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký.