September 10, 2022 | 15:53 GMT+7

Phục hồi chưa đủ tin cậy, rung lắc sẽ sớm gia tăng quanh ngưỡng 1.250

Hà Anh -

Một phiên hồi phục với thanh khoản thấp có thể là tín hiệu chưa đủ tin cậy cho một nhịp phục hồi, tuy nhiên lúc này chứng khoán thế giới đang tăng trở lại sau 2 tuần điều chỉnh sẽ là một trong các nhân tố hỗ trợ cho thị trường trong tuần sau...

TVSI cho rằng thị trường vẫn đang trong vùng sideway lớn trong trung hạn ở vùng 1,150 -1,315 điểm.
TVSI cho rằng thị trường vẫn đang trong vùng sideway lớn trong trung hạn ở vùng 1,150 -1,315 điểm.

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần từ 12-16/9/2022.

Phiên giao dịch cuối tuần (9/9), chỉ số VN-Index tăng 14,18 điểm, tương đương tăng 1,15%, đóng cửa ở mức 1.248,78 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index kết thúc tuần giao dịch này tại mức 284,63 điểm – tăng 2,48 điểm, tương đương 0,88%.

Vùng kháng cự hiện tại của VN-Index là 1.250-1.260

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC)

"Mở cửa với gap dương, tuy nhiên VN-Index thể hiện sự đuối sức trong cả ngày hôm nay khi cứ dần thu hẹp đà tăng. Đến cuối phiên chiều, đột nhiên chỉ số bật lên mạnh mẽ, lội dòng tăng hơn 14 điểm so với phiên hôm qua.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 18/19 ngành tăng điểm. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên sàn HSX và bán ròng trên sàn HNX.

Chỉ số đang trở lại đường viền cổ của mẫu hình Vai – đầu – vai, ngưỡng 1,250; cây nến rút chân cho thấy bên mua ủng hộ đà tăng của chỉ số. Vùng kháng cự hiện tại chỉ số đang phải đối mặt là 1,250-1,260, nếu không thể vượt qua được ngưỡng này, chỉ số sẽ giảm về vùng 1,220-1,230".

Thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội - SHS)

“Sau 07 tuần liên tiếp tăng điểm từ vùng đáy 1.140-1.150 lên vùng giá 1.285-1.300. VN-Index tạo đỉnh ngắn hạn và có tuần giảm điểm khi kết tuần tại 1.248,78 điểm, giảm -2,48% với khối lượng giao dịch tăng khá mạnh 67,64% so với tuần trước, thể hiện áp lực bán cơ cấu mạnh của các vị thế lướt sóng ngắn hạn kém hiệu quả, nhất là sau khi rút ngắn chu kỳ T+2.

VN-Index tạo đáy tại vùng 1.140 điểm trong tháng 07, phục hồi trong tháng 08 và trong tháng 09 sẽ diễn biến tích lũy thêm để tạo nền giá tích lũy trung dài hạn. Với vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.200-1.225_Đây cũng là vùng hỗ trợ của trend_line nối các vùng đáy trung hạn cao dần từ vùng 1.000-1.030 thấp nhất năm 2021 và vùng 1.143-1.156 thấp nhất tháng 05, 07 năm 2022 điểm. Các ngưỡng kháng cự quan trọng là vùng 1.260-1.285 điểm_gap down giữa hai phiên 10/6 và 13/6/2022.

Ngắn hạn trong tuần tiếp theo kỳ vọng VN-Index phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự 1.260-1.265 điểm. Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quí 3/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP.. mới xem xét gia tăng thêm tỉ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Quý nhà đầu tư có thể tham khảo danh mục cổ phiếu khuyến nghị của chúng tôi để có quyết định hợp lý. Loại giảm các mã yếu kém hơn so với thị trường chung nếu có, để tái cơ cấu danh mục hiệu quả tốt hơn”.

Lưu ý khả năng tại vùng cản quanh 1.285 điểm của VN-Index

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)

"Dòng tiền bắt giá thấp tham gia mạnh mẽ vào cuối phiên đã giúp chỉ số nhanh chóng rút chân và đóng cửa phiên cuối tuần với mẫu hình nến hammer tích cực. Bên cạnh đó, thanh khoản phần lớn đến từ nhóm vốn hóa lớn cho thấy ý chí níu giữ chỉ số giao dịch ổn định trên ngưỡng SMA50 của dòng tiền.

Với tín hiệu này, dự kiến thị trường sẽ có 1 nhịp hồi phục khá tốt trong những phiên tới. Tuy nhiên trong ngắn hạn, cần lưu ý rung lắc tại vùng cản quanh 1.285 điểm của VN-Index.

Do đó, Quý Nhà đầu tư có thể giải ngân dần đối với những cổ phiếu hồi phục tốt từ nền giá và vẫn duy trì trên ngưỡng SMA50. Đồng thời chơ đợi vùng giá cao hơn để chốt bớt những cổ phiếu yếu do rủi ro tiếp tục suy giảm từ vùng cản còn hiện hữu".

Thị trường tạm thời cân bằng trở lại

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)

“Các chỉ số chịu sức ép giảm ở trong phiên nhưng đã nỗ lực hồi phục nhẹ ở cuối phiên. Thị trường tăng điểm trong hầu hết thời gian giao dịch và chịu một chút sức ép bán ở đầu phiên chiều. Tuy nhiên, dòng tiền chủ động tham gia và giúp các chỉ số và cổ phiếu hồi phục lại. Nhóm ngành cổ phiếu Năng lượng, Dầu khí, Thép và một số cổ phiếu BĐS tăng giá trong khi các nhóm ngành khác có sự phân hóa trở lại.

VN-Index kết phiên ở 1,248.78 điểm (+14.18 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1,275.64 điểm (+10.07 điểm). Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước và thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt quanh mức 13,200 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường chớm tích cực trở lại khi số mã tăng điểm chiếm 52%; số mã đi ngang chiếm 15% và có 33% số cổ phiếu giảm điểm. Khối nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng với quy mô gần 170 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào các cổ phiếu: HPG; VIC; VND; VNM; VHC …Ở chiều ngược lại, họ bán ròng nhẹ ở các cổ phiếu: STB; KDH; SSI; DGC; FUEVFVND(CCQ)…

Phiên hồi phục hôm nay mang nhiều yếu tố kỹ thuật sau chuỗi các phiên giảm của tuần qua. Điều này dù sao cũng sẽ giúp thị trường tạm có điểm cân bằng ở trên vùng hỗ trở của MA60 ngày. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng đây chỉ là điểm cân bằng tạm thời và giúp các cổ phiếu phân hóa trở lại. Nhìn chung, áp lực cung tiềm ẩn hiện vẫn lớn so với dòng tiền và sau các phiên hồi phục áp lực cung có thể quay trở lại.

Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang trong vùng sideway lớn trong trung hạn ở vùng 1,150 -1,315 điểm với biên biến động hẹp của nhiều cổ phiếu nên việc kiên nhẫn chờ đợi mua ở các vùng giá thấp hơn sẽ có lợi thế cho nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn”.

VN-Index sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 1250

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)

“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn tất cả các chỉ số duy trì ở mức Tiêu cực. Trong khi đó, VNMidcap tạm cải thiện tín hiệu trung hạn lên lại mức Trung tính, tương đồng với tín hiệu của VN-Index, VN30, VNSmallcap (trừ HNXIndex đang duy trì tín hiệu Tiêu cực).

Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể duy trì quán tính tăng điểm sau nỗ lực bảo vệ hỗ trợ mạnh MA50 vào cuối ngày thứ Sáu. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại kháng cự MA100 ngày đang nằm tại 1250 điểm.

Nếu lực mua tiếp tục được cải thiện giúp VN-Index đóng cửa trên 1250 điểm, chỉ số sẽ phát ra tín hiệu có thể tăng trở lại lên vùng 1290-1300 điểm trong những ngày (tuần) sau đó. Ngược lại, nếu lực bán chiếm ưu thế trở lại và khiến VN-Index đảo chiều giảm vào cuối ngày, chỉ số có thể cần kiểm định lại hỗ trợ MA50 ngày ở vùng 1228 thêm lần nữa.”.

Khả năng VN-Index sẽ kiểm lại vùng kháng cự 1.250

(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI – SSI)

“Chỉ số VN-Index bật tăng ấn tượng về cuối phiên và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, lên 1.248,8 điểm (+1,1%). Chỉ số hình thành nến Hammer trên đồ thị ngày, tuy nhiên KLGD chỉ ở mức thấp so với bình quân 20 phiên.

Theo quán tính tăng, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm lại vùng kháng cự quan trọng 1.250 điểm trong phiên tới.

Nếu quay lại trên khu vực này, chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục về ngưỡng 1261 điểm. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh trở lại từ vùng 1250 điểm, chỉ số sẽ duy trì xu hướng Giảm ngắn hạn với vùng hỗ trợ gần là 1.220 điểm”.

Quan sát thêm phản ứng của thị trường ở ngưỡng 1.250 điểm

(Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS)

“Thị trường trong nước chốt tuần bằng phiên hồi phục mạnh mẽ, tuy vậy đây vẫn là tuần giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường tạo đáy hồi đầu tháng 7. Hỗ trợ đà tăng của thị trường là sự trở lại của các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như: dầu khí, năng lượng, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp, …. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay lại mua ròng sang phiên thứ 2 liên tiếp cũng đóng góp vào đà phục hồi của thị trường phiên này.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE giảm còn 12.595 tỷ đồng so với mức 12.723 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 14.200 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng có 542 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 581 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Thị trường hồi phục sau 2 phiên giảm liên tiếp trên nền thanh khoản thấp nhưng vẫn có những điểm tích cực. Độ rộng thị trường cho thấy dòng tiền có sức lan tỏa, nhiều nhóm cổ phiếu sau chuỗi giảm điểm cũng đã phục hồi mạnh như: dầu khí, năng lượng, bất động sản, … bên cạnh đó phiên hồi phục cũng mang nhiều tính kỹ thuật khi chỉ số Vn-Index retest ngưỡng hỗ trợ MA50 thành công. Tuy thị trường hồi phục trên diện rộng nhưng tuần này vẫn là tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường tạo đáy hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Một phiên hồi phục với thanh khoản thấp có thể là tín hiệu chưa đủ tin cậy cho một nhịp phục hồi, tuy nhiên lúc này chứng khoán thế giới đang tăng trở lại sau 2 tuần điều chỉnh sẽ là một trong các nhân tố hỗ trợ cho thị trường trong tuần sau, nhà đầu tư có thể quan sát thêm phản ứng của thị trường ở ngưỡng 1.250 điểm, nơi có mặt của đường MA100”.

Rủi ro rung lắc sẽ sớm gia tăng quanh ngưỡng 1.250

(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV)

“Sau nhịp tăng điểm giằng co trong biên độ hẹp, VN-Index bất ngờ lao dốc trong phiên trước khi sớm hồi phục và bật tăng mạnh về cuối phiên.
Sự tiết giảm của bên bán cùng với sự tham gia tích cực của dòng tiền bắt đáy đã giúp cho trạng thái của thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn.

Mặc dù rủi ro rung lắc sẽ sớm gia tăng quanh ngưỡng 125x tương ứng với đường MA100, VN-Index được kỳ vọng có thể hướng lên vùng 1270 trước khi gặp áp lực điều chỉnh trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro”.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate