Mức tăng này không đạt kỳ vọng của giới phân tích nhưng vẫn đủ để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Có thể nói trong năm 2023, kinh tế Trung Quốc đã gây thất vọng vì đà phục hồi ngày càng yếu sau giai đoạn bùng nổ ban đầu sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp hà khắc chống Covid-19. Gây áp lực lên kinh tế Trung Quốc trong năm qua là cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, tiêu dùng và niềm tin doanh nghiệp yếu, cộng thêm nợ chồng chất của các chính quyền địa phương và bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Trước khi số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc chính thức công bố, các nhà phân tích được hãng tin Reuters khảo sát dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý 4 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 4,9% đạt được trong quý 3.
“Sự phục hồi sau Covid-19 của kinh tế Trung Quốc, dù đã gây nhiều thất vọng, vậy là đã hoàn tất. Bất kỳ sự tăng tốc thực sự nào của nền kinh tế trong năm nay sẽ đòi hỏi một sự khởi sắc đang ngạc nhiên của kinh tế toàn cầu hoặc chính sách của Chính phủ Trung Quốc cần phải tích cực hơn”, cuộc khảo sát mới nhất công bố ngày 17/1 của tổ chức nghiên cứu China Beige Book International nhận định.
Cả năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà Chính phủ nước này đề ra, một phần nhờ hiệu ứng cơ sở so sánh thấp của năm 2022. Mức tăng này cũng không nằm ngoài dự báo của giới phân tích.
Nếu tính theo cơ sở quý, GDP quý 4 của Trung Quốc tăng 1% so với quý 3, phù hợp với dự báo và thấp hơn so với mức tăng 1,5% của quý 3 so với quý 2.
Các chỉ số hoạt động kinh tế tháng 12 của Trung Quốc, công bố cùng với dữ liệu GDP, cho thấy sự phục hồi không đều. Tăng trưởng sản lượng của các nhà máy đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2022, nhưng doanh thu bán lẻ tăng chậm nhất kể từ tháng 9. Tăng trưởng đầu tư tiếp tục ảm đạm.
Tình trạng dai dẳng của cuộc khủng hoảng bất động sản, lĩnh vực từng là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, tiếp tục là một rào cản đối với sự phục hồi kinh tế nước này. Doanh số bán nhà mới tháng 12 ở Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2015 và đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp. Doanh số bán nhà dựa trên diện tích mặt sàn giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số nhà mới khởi công giảm 20,4%.
“Tôi nghĩ rằng thị trường tài chính đã thất vọng khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) không giảm lãi suất vào hôm thứ Hai tuần này. Nhưng có vẻ như họ đang nghĩ đến những biện pháp có trọng điểm hơn”, nhà kinh tế Woei Chen Ho của ngân hàng UOB nhận định với hãng tin Reuters. “Vấn đề bất động sản không thể được giải quyết bằng việc giảm lãi suất chung chung”.
Hôm thứ Hai, PBOC giữ nguyên lãi suất chính sách của cơ chế cho vay trung hạn, dù thị trường kỳ vọng một động thái giảm lãi suất. Sự chần chừ của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể liên quan đến việc đồng nhân dân tệ đang đối mặt với áp lực mất giá.
Số liệu thất nghiệp cho thấy thị trường việc làm xấu đi, với tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc trong tháng 12 tăng lên mức 5,1% từ mức 5% trong tháng 11.
Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc bước sang năm 2024 trong một trạng thái khá chông chênh, với áp lực giảm phát kéo dài và sự khởi sắc nhẹ của xuất khẩu khó có thể tạo ra được một cuộc chuyển biến nhanh chóng và tích cực đối với tình trạng ảm đạm của hoạt động sản xuất.
Nhìn dài hạn hơn, triển vọng kinh tế Trung Quốc bị phủ bóng bởi vấn đề nhân khẩu học. Dân số nước này giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2023, với mức giảm 2,75 triệu người, còn 1,409 tỷ người.