April 04, 2023 | 08:02 GMT+7

Phương tiện di chuyển trên không mở ra tiềm năng cho du lịch Đông Nam Á

Tường Bách -

Thời gian gần đây, hàng loạt hãng hàng không thương mại đang tích cực đầu tư cho các công ty khởi nghiệp phát triển taxi bay, với mục đích giúp khách hàng thực hiện những chuyến đến và đi sân bay nhanh chóng, thuận lợi hơn…

Ảnh: Flight Global
Ảnh: Flight Global

Taxi bay chỉ là một phần trong cuộc cách mạng di chuyển hàng không trong đô thị (UAM) mà nhiều nước đang theo đuổi. UAM giờ cũng không giới hạn ở việc di chuyển bằng trực thăng truyền thống. Vào thời điểm hiện tại, xu hướng UAM mới nhất là những chiếc máy bay trực thăng chạy bằng điện (eVTOL) và các máy bay không người lái (UAV). Sở hữu những chiếc eVTOL chở dưới 10 người đang là mục tiêu trong cuộc đua của các hãng hàng không, công ty bay dịch vụ ở Đông Nam Á.

Capital A, công ty mẹ của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia), đang thực hiện những bước đi đầu tiên để biến taxi bay thành phương tiện quen thuộc với người dân. Theo báo Nikkei Asia, tháng 2/2022 AirAsia ký biên bản ghi nhớ thuê tối thiểu 100 eVTOL VX4 từ Công ty Avolon có trụ sở tại Ireland. Theo lộ trình dự kiến, những chiếc VX4 đầu tiên sẽ đến Malaysia năm 2025.

Trong giai đoạn đầu AirAsia muốn khai thác taxi bay cho đường bay từ Kuala Lumpur đến sân bay quốc tế cùng tên, giúp giảm thời gian di chuyển từ 1 giờ xuống còn 17 phút. Giá vé ước tính dưới 50 USD/người nếu đi chung nhóm 4 người. Tháng 2 vừa qua, AirAsia đã ký một biên bản ghi nhớ để thuê tối thiểu 100 máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện VX4 từ Avolon, một công ty cho thuê có trụ sở tại Ireland. Avolon đặt hàng VX4 từ nhà phát triển Vertical Aerospace của Anh.

Ba đơn vị trên sẽ có cuộc họp đầu tiên trong tháng 4 này tại Kuala Lumpur, với mục tiêu cung cấp cho thị trường loại xe bay VX4 vào năm 2025. Để bắt đầu loại hình kinh doanh này, taxi hàng không sẽ cần các chứng chỉ về loại hình, cùng với các quy tắc hàng không chuyên dụng và cơ sở hạ tầng về nơi hạ cánh, cất cánh và sân đỗ. Vertical Aerospace đang trong quá trình lấy chứng nhận kiểu loại ở châu Âu. Công ty đồng thời có kế hoạch bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm ngay trong tháng này.

Để bắt đầu loại hình kinh doanh này, taxi hàng không sẽ cần các chứng chỉ về loại hình cùng với các quy tắc hàng không chuyên dụng và cơ sở hạ tầng.
Để bắt đầu loại hình kinh doanh này, taxi hàng không sẽ cần các chứng chỉ về loại hình cùng với các quy tắc hàng không chuyên dụng và cơ sở hạ tầng.

Tại Singapore, chính phủ nước này cũng đã thành lập một trung tâm di chuyển hàng không tại Công viên Hàng không Vũ trụ Seletar để thử nghiệm taxi bay. Mặc dù taxi bay có thể giúp giảm kẹt xe, song đây không phải là mục tiêu hàng đầu của các nhà phát triển phương tiện này và các chính phủ. Singapore, nơi nhiều khả năng sẽ vận hành các tuyến taxi bay đầu tiên của Đông Nam Á, muốn biến nó thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch.

Theo nghiên cứu đánh giá của Volocopter, nhà phát triển eVTOL có trụ sở tại Đức, nền kinh tế Singapore có thể kiếm thêm 3,1 tỉ USD vào năm 2030 nếu triển khai taxi bay vào năm 2024. Các taxi bay 2 và 4 chỗ ngồi của Volocopter sẽ chở khách từ trung tâm Singapore đến sân bay Changi, hoặc thực hiện các chuyến bay xuyên biên giới đến Malaysia.

Theo tờ Nikkei Asia, EHang Holdings của Trung Quốc, một công ty hàng đầu thế giới về phát triển ô tô bay, đánh giá ngành du lịch Đông Nam Á có thể là một thị trường quan trọng đối với các phương tiện di chuyển trên không. Tại phương Tây, các nhà phát triển lớn trong lĩnh vực non trẻ này bao gồm Volocopter của Đức và Joby Aviation của Mỹ. Công ty EHang của Trung Quốc cũng là một tên tuổi quan trọng trong ngành này. Họ đã thử nghiệm các thiết bị của mình để phù hợp với quy định của khu vực và quốc tế. Tính đến tháng 9/2022, công ty này đã nhận được nhiều đơn đặt hàng trước với số lượng hơn 1.200 chiếc.

EHang Holdings cho rằng việc có chứng nhận ở Trung Quốc có thể tạo cơ sở để thiết bị này được chấp thuận ở các thị trường khác, bao gồm cả Đông Nam Á.
EHang Holdings cho rằng việc có chứng nhận ở Trung Quốc có thể tạo cơ sở để thiết bị này được chấp thuận ở các thị trường khác, bao gồm cả Đông Nam Á.

Giám đốc tài chính Richard Liu của EHang cho biết các nước Đông Nam Á sẽ là thị trường trọng điểm, vì công ty dự kiến sẽ đưa các thiết bị eVTOL của họ phục vụ cho nhu cầu tham quan các điểm đến du lịch nổi tiếng tại khu vực này. "Thị trường này có nhu cầu rất lớn và chắc chắn về việc khám phá trên không. Ngoài Trung Quốc và Nhật Bản, chúng tôi đang xem xét các quốc gia nơi du lịch là một ngành công nghiệp quan trọng, chẳng hạn như Thái Lan, Indonesia và Malaysia", ông Liu nói.

Giám đốc này cũng cho biết EHang đã làm việc với các cơ quan hàng không Trung Quốc và hy vọng sẽ sớm đạt được chứng nhận cho mẫu ô tô bay EH216-S. "Mẫu ô tô này đã ở giai đoạn phát triển hoàn thiện. Sau khi đạt được chứng nhận, chúng tôi có thể bán EH216-S tại Trung Quốc", ông Liu cho hay. Chuyên gia này cũng lưu ý rằng việc có chứng nhận ở Trung Quốc có thể tạo cơ sở để thiết bị này được chấp thuận ở các thị trường khác, bao gồm cả Đông Nam Á.

Ông Liu nói: "Đối với các quốc gia mà tôi đã đề cập, các cơ quan hàng không rất cởi mở. Vì vậy, sau khi chúng tôi đạt được chứng nhận ở Trung Quốc, đây có thể là cơ sở để chúng tôi nộp đơn xin chứng nhận với chính quyền địa phương. Có được chứng nhận từ Trung Quốc sẽ rút ngắn thời gian và rất hiệu quả trong quá trình chúng tôi thiết lập sự hiện diện trên thị trường ở các quốc gia khác".

Thiết kế môtô bay cá nhân của startup Việt Nam Airlios.
Thiết kế môtô bay cá nhân của startup Việt Nam Airlios.

Trước đó, Airlios - một startup Việt Nam - đã trưng bày nguyên mẫu môtô bay cá nhân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022 hồi cuối tháng 10 vừa qua. Tại đây, Airlios chào bán 4 mẫu môtô bay, gồm: Air One, Pegasus, Minotaur và Custom, với giá bán quy đổi lần lượt 2 tỉ, 2,2 tỉ, 2,46 tỉ và 2,46 tỉ đồng. Giám đốc Công nghệ Airlios Mai Thiên Vũ cho biết dự án đang triển khai đến giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ thương mại hóa ra thị trường vào năm 2024.

Trong tương lai, mục tiêu của dự án là liên kết với công ty du lịch để tổ chức dịch vụ bay tham quan cho hành khách, cũng như vận chuyển hành khách bằng taxi bay, vận chuyển hàng hóa, tham gia cứu hộ, cứu nạn. Theo thiết kế, thiết bị bay này có thể điều khiển bằng 2 cách là trực tiếp điều khiển và tự hành. Môtô bay chỉ có một chỗ ngồi, quãng đường bay tối đa 33 km, tốc độ tối đa 100 km/giờ và thời lượng bay tối đa (với tải trọng 100 kg) là 20 phút, độ cao dưới 120 m.

Thiết bị bay cá nhân đô thị đặc biệt được quan tâm trong 2 năm gần đây. Gần như các hãng vận tải, hãng sản xuất xe lớn trên thế giới đều có dự án phát triển mô hình này. Công ty tư vấn Roland Berger ước tính đến năm 2050, sẽ có tới 160.000 ôtô bay được sử dụng làm taxi bay trên toàn thế giới. Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Morgan Stanley cho rằng ngành này sẽ phát triển trở thành thị trường trị giá 1.000 tỉ USD tính đến năm 2040 và 9.000 tỉ USD vào năm 2050.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate