Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định, phương tiện thủy chạy bằng động cơ, có tổng công suất máy chính từ 5 mã lực (5CV) hoặc sức chở từ 5-12 người khi hoạt động trên đường thủy phải có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm.
Đây là nhóm phương tiện thủy cỡ nhỏ, khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, được người dân sử dụng vào mục đích dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, đi lại, vận chuyển hàng hóa, bắt đánh thủy sản...
Tuy nhiên, "nhiều năm nay, khu vực này còn tồn tại nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông", Cục Đăng kiểm nêu thực tế.
Năm 2021, Chi cục Đăng kiểm số 1 phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện công tác đăng kiểm mới, đăng kiểm lần đầu cho phương tiện cỡ nhỏ, nhiều nhất là tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn và Yên Bái.
"Qua hơn 10 kỳ, rà soát đăng kiểm lần đầu được 294 phương tiện, đồng thời phát 400 bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy. Hiện còn khá nhiều phương tiện chưa chấp hành đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, để quản lý đăng ký, đăng kiểm nhóm phương tiện này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc", Chi cục Đăng kiểm số 1 cho hay.
Lý giải nguyên nhân số lượng phương tiện thủy cỡ nhỏ đăng kiểm mới hạn chế, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ rõ, thứ nhất, một bộ phận khá lớn chủ phương tiện thủy ở các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc là người dân tộc thiểu số.
Do đó, mức độ nắm bắt quy định pháp luật an toàn giao thông đường thủy của chủ phương tiện, chủ cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy về đăng ký, đăng kiểm hạn chế.
Không ít trường hợp không hiểu bản chất của đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, chứng nhận phương tiện đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường để tham gia giao thông.
Thứ hai, nhiều tỉnh hầu như không có cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện.
Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện thủy tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thô sơ, mang tính chất dân sinh.
Hiện nay, trừ các doanh nghiệp tại khu vực nhà máy đóng tàu Sông Lô (Phú Thọ), các cơ sở còn lại trong địa bàn hầu hết chưa đạt chuẩn theo quy định.
Dù Chi cục Đăng kiểm số 1 và phòng chuyên môn hỗ trợ nhiều địa phương về kỹ thuật nhưng các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu còn nhiều khiếm khuyết, tồn tại, chưa đạt yêu cầu quy chuẩn nhất là về mặt bằng đất, bến thủy, giấy phép xây dựng...
Tại các cơ sở đóng phương tiện thủy thô sơ trên địa bàn diễn ra hiện tượng tự đóng phương tiện không có hồ sơ thiết kế được thẩm định, thi công không theo quy trình, không đề nghị cơ quan đăng kiểm giám sát kỹ thuật.
Thứ ba, phương tiện thủy tại các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu là cỡ nhỏ, phục vụ gia dụng, đời sống hàng ngày của người dân.
Hầu hết phương tiện được đóng từ lâu theo thói quen dựa vào mẫu dân gian và kinh nghiệm, không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật. Do vậy, khi kiểm tra kỹ thuật rất khó để chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Cũng đáng lưu ý, trong quá trình sử dụng, người dân thường xuyên cải tạo, thông số kỹ thuật và công dụng phương tiện như thay động cơ, kích thước, thậm chí, chuyển đổi công dụng từ chở hàng thành chở người khi vào mùa lễ hội và ngược lại khi vào mùa vụ khai thác nông sản…
Thứ tư, đời sống kinh tế người dân khó khăn nên không muốn đăng kiểm phương tiện để đỡ phải trả phí dịch vụ kiểm định.
Thực tế, phần nhiều phương tiện là gia dụng, dân sinh, chủ phương tiện là người dân tộc thiểu số miền núi, đồng bào nghèo.
Trong khi giá dịch vụ đăng kiểm lần đầu để phương tiện khoảng trên dưới 2 triệu đồng, đăng kiểm định kỳ 300-400 nghìn đồng cũng là khoản chi đáng kể với không ít hộ dân.
Thực tế, năm 2021, Chi cục Đăng kiểm số 1 lập hồ sơ, in giấy chứng nhận kiểm định để cấp chứng nhận đăng kiểm lần đầu cho gần 200 phương tiện, song sau đó, các chủ phương tiện không nhận vì không muốn trả phí dịch vụ kiểm định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện là một trong các thành tố quan trọng trong việc ngăn ngừa nguy cơ, sự cố tai nạn giao thông đường thủy. Việc kiểm soát tốt chất lượng phương tiện thủy trực tiếp góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy, nâng chất lượng hoạt động vận tải thủy và bảo vệ môi trường.
Vì vậy, đơn vị này kiến nghị, khi sửa Luật Giao thông đường thủy nội địa, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét mở rộng phạm vi quy định đối tượng không thuộc diện đăng ký, đăng kiểm để phù hợp hơn với loại phương tiện có trọng tải toàn phần từ 5 - 15 tấn, công suất máy từ 5 - 15CV.
Đồng thời, cần có chính sách đặc thù hỗ trợ người dân miền núi trong quy định về giá, lệ phí đăng kiểm phương tiện theo hướng miễn, giảm, hỗ trợ.