Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền.
Theo đó, PLX sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 700 đồng). Thời gian thanh toán vào ngày 10/10.
Như vậy, với hơn 1,34 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, PLX sẽ chi gần 942 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Theo BTCT bán niên 2023 đã soát xét, lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất tăng 3% so với trước soát xét lên 1.558,57 tỷ đồng và trên BCTC riêng tăng 12% lên 649,34 tỷ đồng.
Theo PLX, nguyên nhân là do công ty mẹ xác định lại thuế TNDN hoãn lại 6 tháng năm 2023, khoản chênh lệch tạm thời giữa giá trị kế toán và cơ sở tính thuế của các khoản dự phòng được loại trừ khi tính thuế thu nhập hiện hành, dẫn đến lợi ích thuế thu nhập hoãn lại trên BCTC công ty mẹ tăng 45 tỷ và điều chỉnh giảm giá vốn bán hàng 27 tỷ đồng.
Như vậy, với kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2023 là 3.228 tỷ đồng, tăng 42% so với thực hiện năm 2022, kết thúc 6 tháng đạt hơn 1.902 tỷ đồng, tương ứng đã hoàn thành gần 59% mục tiêu đề ra.
Mới đây, ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận Petrolimex bàn giao Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, mã PGB) cho 3 nhà đầu tư, dự kiến thu về 2.568 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh dự kiến nhận chuyển nhượng 39,3 triệu cổ phiếu PGBank, tương đương 13,1% cổ phần; CTCP Quốc tế Cường Phát dự kiến nhận chuyển nhượng 40,5 triệu cổ phiếu, tương đương 13,54% cổ phần; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức dự kiến nhận chuyển nhượng 40,1 triệu cổ phiếu, tương đương 13,36% cổ phần.
Trước đó, ngày 7/4, Petrolimex đã bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB cho 4 nhà đầu tư, trong đó gồm ba tổ chức là 3 công ty trên và một cá nhân. Mức giá mua bình quân là 21.400 đồng/CP.
Mới đây, VCSC giảm giá mục tiêu cho Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) thêm 3,1% xuống 37.800 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị "phù hợp thị trường".
Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do VCSC giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 thêm 2% (-3%/+5%/-2%/-3%/-4% cho năm 2023/24/25/26/ 27), do chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) dự kiến cao hơn và thu nhập tài chính dự kiến thấp hơn tương ứng với KQKD nửa đầu năm 2023.
Những yếu tố này được bù đắp bởi chi phí định mức cao hơn bắt đầu từ tháng 7/2023 (đã hỗ trợ các nhà phân phối xăng dầu có giá bán cao hơn) và sản lượng bán dự kiến tăng.
VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo năm 2023 tăng hơn gấp đôi đạt 3,4 nghìn tỷ đồng. Động lực chính cho mức tăng này là (1) lợi nhuận cao hơn 14% YoY trên mỗi lít, được hỗ trợ bởi việc xem xét giá cơ sở thực tế cho cả năm vào quý 4/2022 và việc tăng chi phí định mức vào đầu tháng 7/2023; (2) sản lượng bán trong nước tăng mạnh đạt 10,8 triệu m3 (+3% YoY); và (3) 548 tỷ đồng lãi ròng từ việc thoái vốn khỏi PG Bank. Chúng tôi cũng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo sẽ tăng mạnh 22% trong năm 2024 do tác động cả năm của việc tăng chi phí định mức vào tháng 7/2023 và dự báo giá xăng dầu tương đối ổn định của chúng tôi hỗ trợ kiểm soát chi phí đầu vào cũng như lợi nhuận gộp trên mỗi lít (+6% YoY).
Ngoài ra, VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS báo cáo đạt 12% trong giai đoạn 2023-2027, nhờ PLX tận dụng được mức tăng trưởng nhu cầu xăng dầu dự kiến ổn định của Việt Nam là 3,4%/năm trong giai đoạn 2022-2027 (theo Chính phủ), gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2023, sản lượng bán của PLX tăng 3% YoY khi công ty giữ được thị phần đã giành được vào năm 2022 nhờ thương hiệu hàng đầu và mạng lưới phân phối toàn quốc.
Đồng thời, VCSC cho biết định giá của PLX có vẻ hợp lý với P/E dự phóng năm 2024 là 13,7 lần — phù hợp với P/E trượt của các công ty cùng ngành và yếu tố hỗ trợ đối với PLX là lợi nhuận trên mỗi lít cao hơn kỳ vọng sau khi Nghị định 95 sửa đổi và rủi ro với công ty này là chính sách; giá dầu biến động bất lợi.
Chốt phiên ngày 13/9, giá cổ phiếu PLX tăng 0,75% lên 40.300 đồng/cổ phiếu.