Công ty Cổ phần Thép POMINA (mã POM-HOSE) giải trình lý do chậm trễ tổ chức ĐHCĐ thường niên và lộ trình khắc phục
Cụ thể, giải trình về lý do chậm trễ tổ chức, Pomina cho biết nguyên nhân là do chờ đợi nhà đầu tư chiến lược thống nhất những thỏa thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ cần thông qua tại ĐHCĐ thường niên.
Về lộ trình khắc phục, Thép Pomina thông báo ngày 14/7 tới đây sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Doanh nghiệp cũng cho biết thêm, vào ngày 22/6, nhà đầu tư chiến lươc đã thống nhất những thỏa thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Tới ngày 24/6, công ty đã phát thông báo và thư mời các cổ đông tham dự Đại hội và ngày 14/7 tới, công ty sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 tại KS Sofitel Sài Gòn, số 17 đường Lê Duẩn, quận 1, Tp.HCM.
Trước đó, HOSE thông báo đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/07/2023 do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Cổ phiếu POM đồng thời được theo dõi ở diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên BCTC Hợp nhất kiểm toán năm 2022 là -444,68 tỷ đồng; tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Ngoài ra, cổ phiếu POM đồng thời được theo dõi ở diện kiểm soát do tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 02 năm liên tiếp.
Ở một diễn biến khác, hàng loạt cổ đông có liên quan tới Chủ tịch HĐQT Thép Pomina đã có động thái đăng ký bán bớt cổ phiếu thời gian gần đây. Mới nhất, bà Đỗ Thị Kim Ngọc – em gái của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina vừa đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu POM từ ngày 4 đến ngày 28/7 để giảm tỷ lệ sở hữu tại Pomina xuống còn 9,9 triệu, chiếm 3,54%.
Tương tự, bà Do Nhung (USA), một người em gái khác của ông Đỗ Duy Thái cũng đã đăng ký bán ra 5,3 triệu cổ phiếu POM, từ ngày 3/7 đến ngày 28/7. Nếu thành công, bà Do Nhung giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 1,98 triệu cổ phiếu, chiếm 0,71%.
Trong khi đó, chị gái của ông Đỗ Duy Thái là bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương (Đức) cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM nắm giữ, từ ngày 30/6 đến ngày 28/7.
Trên thị trường, sau giai đoạn tăng "nóng" 60% chỉ trong hơn 2 tuần từ 26/5-9/6 từ 4.760 đồng/cổ phiếu lên 7.500 đồng/cổ phiếu thì nay cổ phiếu POM hiện đang trong nhịp điều chỉnh và lùi về mức giá 6.900 đồng/cp (chốt phiên ngày 10/7).
Về kết quả hoạch kinh doanh, POM báo lỗ gần 187 tỷ - trong khi cùng kỳ lãi hơn 70 tỷ đồng. Theo POM, lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 lỗ là do tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm, dẫn đến công ty bị sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí cố định của dự án mới đi vào hoạt động còn cao nên gẫy lỗ lớn trong kỳ.
Trong báo cáo thường niên 2022, POM đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2023 đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.080 tỷ đồng.
Định hướng cho năm 2023, POM dự định tái cấu trúc Pomina Group: tách chi nhánh Pomina 1 và chi nhánh Pomiana 3 ra thành 2 công ty TNHH có tư cách pháp nhân độc lập; chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3 và phát hành cổ phiếu mới của Pomina Group để tăng vốn chủ sở hữu, lành mạnh hoá trạng thái tài chính và bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao.