Tại cuộc tiếp, chúc mừng sự phát triển mạnh mẽ của Qatar, nhất là sự chuyển mình về công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa Qatar trở thành một trong những nước tiên phong tại khu vực trong các lĩnh vực này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Thủ tướng với các nhà lãnh đạo Qatar trong chuyến công tác này, hai bên nhận thấy tiềm năng rộng mở và nhất trí nâng cao hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
QATAR SẼ LẬP NHÓM CÔNG TÁC ĐỂ THÚC ĐẨY HỢP TÁC CÔNG NGHỆ VỚI VIỆT NAM
Thủ tướng mong muốn hai bên có các dự án hợp tác cụ thể, nhất là trong các lĩnh vực: An ninh mạng, xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia và chuyên ngành; đề nghị Qatar cung cấp các vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Qatar cho rằng, chuyển đổi số là quá trình quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Qatar và Việt Nam. Hai bên cũng đã thảo luận cấp bộ trưởng, thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, chất bán dẫn, trung tâm dữ liệu… Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác về an ninh mạng, bao gồm cả hạ tầng, khoa học công nghệ và pháp lý.
Cho biết Qatar sẵn sàng mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư kinh doanh tại Qatar, Bộ trưởng Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai mong muốn Việt Nam mở trung tâm doanh nghiệp công nghệ tại Qatar để sản xuất các sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho không chỉ Qatar mà cho cả khu vực. Ông cho biết Qatar sẽ lập nhóm công tác để kết nối, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Việt Nam có các doanh nghiệp lớn về công nghệ và viễn thông, như Viettel, FPT… đã sản xuất thiết bị 5G, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc mở một trung tâm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại Qatar, cho rằng đây là ý tưởng hoàn toàn khả thi, với công thức: Việt Nam cung cấp nhân lực, Qatar cung cấp tài chính, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước để doanh nghiệp hai nước kết hợp sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông không chỉ cho Qatar mà cả khu vực.
Theo Thủ tướng, trong cuộc hội kiến với Thủ tướng, Quốc vương Qatar rất quan tâm vấn đề an ninh mạng, trong khi Việt Nam đứng thứ 17 về an ninh mạng trên thế giới, hoàn toàn có thể hợp tác hiệu quả với Qatar trong lĩnh vực này; hai bên sẽ đàm phán, ký kết hiệp định liên chính phủ liên quan an ninh mạng.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò quan trọng của hai Bộ trưởng trong lĩnh vực này; đề nghị Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Qatar và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có kết quả cụ thể" thực hiện hiệu quả các thoả thuận cấp cao trong lĩnh vực quản lý.
Nhấn mạnh, "không có thành công nào là không phải trả giá; thất bại là mẹ thành công", Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh",
Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải tận dụng thời gian và trí tuệ, đồng thời biết chấp nhận rủi ro, tạo đột phá để đưa quan hệ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao, tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
THÚC ĐẨY HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp ông Saad bin Sherida Al Kaabi, Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy.
Tài nguyên chính của Qatar là khí đốt với trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới; dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày. Đây là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
QatarEnergy là công ty dầu khí nhà nước của Qatar, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí trong nước, là một trong những nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã có cuộc hội đàm, hội kiến thành công với Quốc vương, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Qatar với nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, hợp tác năng lượng (gồm năng lượng truyền thống và năng lượng mới) là một trong những nội hàm ưu tiên, đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của Qatar và Việt Nam có nhu cầu hợp tác.
Hai bên thống nhất cần đàm phán hiệp định về nội dung này, giao Bộ Công Thương Việt Nam và Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar trao đổi cụ thể các biện pháp tăng cường hợp tác.
Thủ tướng đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường và duy trì đều đặn cung ứng các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt, hóa chất nhất là LNG để phục vụ bảo đảm cung ứng điện.
Thủ tướng đề nghị Quốc vụ khanh chỉ đạo và Công ty QatarEnergy tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hợp tác dầu khí, năng lượng với các đối tác Việt Nam, đặc biệt với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; cũng như hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…
Về phần mình, Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi, cho biết QatarEnergy sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư với các đối tác Việt Nam. Quốc vụ khanh cho biết sẽ tới Việt Nam để trao đổi, thúc đẩy về các dự án hợp tác cụ thể. Ông đồng thời bày tỏ mong chờ Luật Điện lực sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua trong thời gian tới để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.
Quốc vụ khanh cũng nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hợp tác trong lĩnh vực này cần lâu dài, ổn định với lộ trình, bước đi phù hợp, "không bỏ lỡ cơ hội hợp tác". Thủ tướng đề nghị giá cả theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển.