June 20, 2022 | 17:46 GMT+7

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước như thế nào trước dự báo tăng lãi suất điều hành?

Trước xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tăng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm.

Ngay sau hành động trên của FED, một loạt ngân hàng trung ương các nước có quyết định tương tự. Ngân hàng Trung ương Anh thực hiện tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp, trong khi đó, lần đầu tiên sau 15 năm, Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ cũng thực hiện tăng lãi suất.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng xác nhận sẽ dừng chương trình mua trái phiếu đã áp dụng gần một thập kỷ qua kể từ ngày 1/7, đồng thời, đánh tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất từ tháng 7 tới trong bối cảnh lạm phát tăng kéo dài.

Trước đó, chỉ riêng trong tháng 5/2022 đã có 144 lượt tăng lãi suất của các đồng tiền trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, việc FED tăng lãi suất với biên độ lớn như hiện nay sẽ đẩy mạnh thêm xu hướng này và gây áp lực lên lãi suất đồng tiền của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang có xu hướng tăng trên toàn cầu, giới phân tích trong nước cũng bắt đầu đề cập nhiều hơn về khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Theo nhóm nghiên cứu tại HSBC, trạng giá năng lượng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung đi lên, khiến lạm phát Việt Nam sẽ có lúc vượt trần 4% trong nửa sau năm 2022.

''Với tình hình này, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý 3/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 0,25 điểm phần trăm) trong năm 2023'', HSBC phán đoán.

Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm để duy trì tăng trưởng vừa phải; tuy nhiên, viễn cảnh này có thể diễn ra vào các tháng cuối năm 2022. 

“Mức tăng 0,50 điểm phần trăm sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%”, MBKE nêu quan điểm.

Còn theo Công ty Chứng khoán VnDirect, việc FED đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp. Đối với lãi suất điều hành, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5 điểm phần trăm.

Lý giải động thái thận trọng trong điều hành quy mô tiền đồng đối với nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia đưa ra 3 nhóm nguyên nhân. 

Thứ nhất, mặc dù áp lực lạm phát trong nước dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Thứ hai, tổng cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Thừa nhận sức ép tăng lãi suất đang rất lớn nhưng tại một sự kiện gần đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, mặt bằng lãi suất và tỷ giá VND/USD sẽ được hệ thống ngân hàng giữ ở mức ổn định.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

“Điều quan trọng hiện nay là dù áp lực lớn, nhưng ngành ngân hàng vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Đào Minh Tú nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate