Ông Joe Biden vừa vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump trở thành tổng thống đắc cử Mỹ nhiệm kỳ 2021-2025. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện tại là cách tiếp cận của ông Biden trong quan hệ với Trung Quốc khi trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Theo giáo sư Huang Jing, trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực, Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, dù ông Biden thắng cử, không nên trông đợi sẽ có sự thay đổi đáng kể nào đó trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh - vốn đã xấu đi đáng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
"Sau cùng thì cuộc bầu cử tổng thống - dù vô cùng quan trọng với chính trường Mỹ - cũng không thể thay đổi được thực tế rằng lưỡng đảng Mỹ xem Trung Quốc là một đối thủ chiến lược hay thậm chí là kẻ thù của Mỹ", tờ Nikkei Asia dẫn lời giáo sư Huang Jing nhận xét. "Hơn nữa, áp lực đối với Trung Quốc từ chính quyền của ông Biden có thể sẽ còn quyết đoán và toàn diện hơn, bởi vì tân tổng thống sẽ phải nhất quán trong việc hoạch định chính sách, đồng thời phối hợp với các đồng minh trong cách tiếp cận với Trung Quốc".
KHÔNG CÒN CHỦ NGHĨA ĐƠN PHƯƠNG
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục lao dốc. Ngược lại, ông Biden có thể mang đến cho Bắc Kinh "cơ hội đáng giá" để ổn định quan hệ song phương trên phương diện toàn cầu, giáo sư Huang nhận định.
"Trước hết, dưới thời ông Biden sẽ có sự bài trừ chủ nghĩa Trump trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chúng ta có thể kỳ vọng có một số thay đổi căn bản trong những chính sách lớn của Mỹ như biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân, phòng chống dịch Covid-19, thương mại quốc tế và ổn định tài chính", ông Huang dự báo.
Giáo sư Huang cho rằng sẽ không ngạc nhiên khi chính quyền của ông Biden cân nhắc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran; định hướng lại quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); hay điều chỉnh lại cách tiếp cận với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - vốn bị ông Trump bài xích hoàn toàn. Chính quyền của ông Biden có thể sẽ chủ động yêu cầu các nền kinh tế lớn tại châu Âu, Nhật Bản tham gia đàm phán về một thỏa thuận thương mại, đầu tư mới. "Trong tất cả lĩnh vực này, Trung Quốc sẽ có nhiều điểm chung với Mỹ", ông Huang nói.
Bên cạnh đó, một điều chắc chắn dưới thời ông Biden là Mỹ sẽ từ bỏ chủ nghĩa đơn phương - được thúc đẩy dưới thời ông Trump. Theo giáo sư Huang, nguyên nhân là chủ nghĩa đơn phương làm xói mòn vị thế trên toàn cầu của Mỹ và cách tiếp cận đa phương là điều tối quan trọng nếu Mỹ muốn khôi phục và duy trì hệ thống liên minh do nước này dẫn đầu.
"Sau tất cả, Mỹ và Trung Quốc đều có sự liên hệ không thể chối bỏ trong cùng một thế giới, bất chấp 'cạnh tranh chiến lược' giữa hai quốc gia. Cách tiếp cận đa phương đối với các vấn đề toàn cầu sẽ mang đến những cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới", giáo sư Huang bình luận.
ĐIỂM CHUNG TRONG ĐỐI PHÓ KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU
Theo ông Huang, Mỹ và Bắc Kinh có thể sẽ tìm được nhiều điểm chung trong việc duy trì ổn định tài chính toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với rủi ro khủng hoảng, suy thoái gây ra bởi đại dịch chưa từng có.
Bởi vì Trung Quốc không chỉ là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới mà còn là nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn thứ hai thế giới. Một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ là thảm họa với cả Trung Quốc - nước giao thương thương mại lớn nhất thế giới và với cả Mỹ bởi ổn định tài chính là điều tối quan trọng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia này.
Giáo sư Huang cũng nhận định Bắc Kinh và Washington có thể sẽ cùng xây dựng một cơ chế xử lý khủng hoảng thích hợp - điều gần như không tồn tại hiện tại - để giải quyết những vấn đề nhạy cảm như Biển Đông, Đài Loan, nhằm ngăn chặn những căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột nguy hiểm.
Tuy vậy, giáo sư này cho rằng không nên quá kỳ vọng vào chính quyền của ông Biden, đặc biệt là việc xây dựng một khung chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc trước cuộc bầu cử giữ kỳ vào năm 2022.
Ưu tiên trước mắt của ông Biden bao gồm thúc đẩy hòa giải dân tộc sau cuộc bầu cử gây chia rẽ sâu sắc, kiểm soát đại dịch Covid-19, kích thích nền kinh tế đang quay cuồng với đại dịch và củng cố sự thống trị của đảng Dân chủ bằng cách thực hiện các mục tiêu để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Trong khi đó, chính quyền mới cũng phải tập trung vào việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trước các đồng minh - vốn bị xói mòn đáng kể bởi chủ nghĩa đơn phương của ông Trump. "Ông Biden và đội ngũ của mình hiểu rõ rằng sức mạnh của Mỹ không chỉ nằm ở bản thân nước này mà còn ở hệ thống đồng minh do Mỹ dẫn đầu, được hình thành từ sau Thế chiến Thứ hai", giáo sư Huang nhận định.
"Với tất cả những điều trên, chúng ta có thể kỳ vọng rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra ổn định hơn. Sau tất cả, điều thực sự gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của thế giới, cũng như mối quan hệ Mỹ-Trung, không phải là 'sự cạnh tranh chiến lược' giữa hai cường quốc, mà là những bất ổn gây ra bởi cuộc cạnh tranh mà trong đó không bên nào tuân thủ nguyên tắc cuộc chơi và chỉ vì lợi ích của mình", giáo sư Huang bình luận.