September 20, 2010 | 16:28 GMT+7

Quản lý vốn Nhà nước: SCIC tìm cách “chọn mặt gửi vàng”

Minh Đức

“Siêu tổng công ty” xem xét đổi mới cơ chế người đại diện để quản lý hiệu quả hơn phần vốn Nhà nước

Công nhân sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong - NTP (phía Nam, Bình Dương). Tại NTP, SCIC tiếp nhận 33,5 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 37,22%), vốn tại Công ty hiện là 80,4 tỷ đồng, đã thu cổ tức 4 năm là 72,5 tỷ đồng (gần bằng số vốn được giao) - Ảnh: Minh Đức.
Công nhân sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong - NTP (phía Nam, Bình Dương). Tại NTP, SCIC tiếp nhận 33,5 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 37,22%), vốn tại Công ty hiện là 80,4 tỷ đồng, đã thu cổ tức 4 năm là 72,5 tỷ đồng (gần bằng số vốn được giao) - Ảnh: Minh Đức.
“Siêu tổng công ty” đang xem xét đổi mới cơ chế người đại diện để quản lý hiệu quả hơn phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được chuyển giao.

Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC đã xây dựng, báo cáo Bộ Tài chính và các bộ có liên quan cơ chế thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc đối tượng SCIC định hướng nắm giữ vốn chi phối lâu dài.

Hai tiêu chí lựa chọn

Theo ông Lai, việc xây dựng cơ chế trên nhằm củng cố hai tiêu chí mà đầu mối này đưa ra khi lựa chọn người đại diện cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ nhất, người đại diện cần có ý thức trách nhiệm với phần vốn được giao đại diện, luôn làm hết trách nhiệm để bảo đảm sự tăng trưởng cũng như hiệu quả phần vốn này. Nói cách khác, người đại diện cần phải đặt lợi ích của cổ đông Nhà nước lên trên hết. Trên thực tế, không phải người đại diện nào cũng làm được điều này, đặc biệt là khi lợi ích của họ hoặc lợi ích của doanh nghiệp xung đột với lợi ích Nhà nước.

Thứ hai, chủ trương của SCIC là đề cử người đại diện của mình vào các chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, qua đó thực hiện vai trò cổ đông năng động, đóng góp vào hiệu quả của doanh nghiệp.

“Chính vì vậy, người đại diện chúng tôi tìm kiếm là người phải có năng lực quản lý, điều hành; am hiểu thị trường và doanh nghiệp. SCIC ủng hộ và đề cử người đại diện xứng đáng vào nắm giữ các chức vụ quản lý, điều hành”, ông Lai nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), cho rằng cách tốt nhất mà SCIC cần tính đến là lựa chọn chính đối tượng đã và đang làm việc tại doanh nghiệp; hơn hết họ là người gắn bó và hiểu doanh nghiệp để gắn trách nhiệm cũng như hiệu quả vai trò người đại diện.

“Nếu người đại diện là cán bộ từ sở, ngành cử qua, công việc tại nhiệm sở của họ đã nặng, họ ăn lương ở đó rồi nên có thể không hiệu quả bằng việc lựa chọn chính những người trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp, người gắn bó và hiểu doanh nghiệp. Mặt khác, SCIC cùng lúc nhận chuyển giao quá nhiều doanh nghiệp thì làm sao đào tạo và chủ động ngay lực lượng người đại diện để “trải” ra. Nếu là người bên ngoài đại diện thì có thể không sâu bằng người trong doanh nghiệp. Đó là chưa nói các lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành, chuyên nghề”, ông Chiểu phân tích.

Ủng hộ hướng lựa chọn và đề cử người đại diện tham gia công tác quản trị điều hành tại doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPP), cho rằng đó là một sự hậu thuẫn của SCIC, cổ đông Nhà nước, với định hướng hoạt động và phát triển của doanh nghiệp.

Chủ tịch AGPP cho biết: “Tôi vừa là người đại diện, vừa là lãnh đạo doanh nghiệp. Cái hay nhất là SCIC tin tưởng giao phó, tin cậy ủy quyền cho chúng tôi để chủ động trong điều hành, cũng như chủ động ứng xử với các cổ đông khác. Đây là điều quan trọng khi mà trong nội bộ cổ đông không phải lúc nào cũng thống nhất về quan điểm”.

Đại diện cho cả quan điểm

Sự ứng xử mà ông Thòn đề cập đến có từ thực tế hoạt động của AGPP, cũng như tại nhiều công ty cổ phần hiện nay. Đó là quan điểm về chiến lược hoạt động, hay cụ thể hơn là quan điểm về lợi nhuận giữa các cổ đông.

“Chúng tôi thấy có nhiều cổ đông họ chỉ quan tâm tới yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận, họ kêu gọi lợi nhuận luôn phải cao. Cũng là dễ hiểu, vì họ là nhà đầu tư tài chính. Họ thúc dục lợi nhuận và niêm yết để tạo thanh khoản, để khi có lợi nhuận hài lòng là họ sẵn sàng ra đi”, ông Thòn đưa ra một thực tế.

Trong trường hợp đó, vai trò và tiếng nói của người đại diện vốn Nhà nước góp phần tạo sự định hướng; trường hợp có sự chi phối về tỷ lệ sở hữu, đó sẽ là quan điểm mang tính quyết định. Và theo đại diện trên, tại trường hợp của AGPP, quan điểm được xác định ở một tỷ suất lợi nhuận hợp lý, cân bằng với sự an toàn tài chính và phát triển bền vững. Người đại diện vốn Nhà nước ở đây cũng là người đại diện cho chiến lược hoạt động của công ty.

“SCIC có nguyên tắc cơ bản là đảm bảo lợi nhuận nhưng hài hòa với lợi ích cộng đồng. Tôi cứ theo kim chỉ nam đó để làm. Lợi nhuận là một phần, nhưng cần phải đầu tư trở lại cho thị trường, như chúng tôi là đầu tư trở lại cho nông dân để tạo nền tảng lâu dài. Nếu không có tiếng nói của người đại diện thì chúng tôi khó làm được điều đó”, Chủ tịch AGPP cho biết thêm.

Về phía SCIC, ông Lê Song Lai giải thích rằng, là một cổ đông, dĩ nhiên lợi nhuận là một yếu tố để xem xét quyết định nắm giữ hay tiến hành bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, là một yếu tố để đánh giá hiệu quả quản lý phần vốn đó.

“Tuy nhiên, khác với cổ đông thường, bên cạnh lợi nhuận SCIC còn quan tâm đến những tác động của việc nắm giữ hay bán vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Điều này nghĩa là mọi quyết định mua hay bán của SCIC đều hướng tới việc làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chứ không đơn thuần chạy theo lợi nhuận”, ông Lai nói.

Một cơ chế hợp lý để tăng giá trị

Hiện SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 540 doanh nghiệp, thông qua 533 người đại diện chuyên trách và kiêm nhiệm. Tuy nhiên, không hẳn tất cả những đại diện này đều “tròn vai” trong việc định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.

Có những lý do khách quan, như phụ thuộc ở tỷ lệ vốn sở hữu, hay tính chất kiêm nhiệm, hay sự mới mẻ của vai trò người đại diện (ở đây không loại trừ những trường hợp mới chỉ dừng lại ở hình thức). Trong khi để vai trò của người đại diện khẳng định, cần “đâu ra đó giữa trách nhiệm và quyền lợi” - theo quan điểm của Chủ tịch Lafooco Nguyễn Văn Chiểu.

Hay như ý kiến của bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), với những người chuyên trách đó, SCIC cần có một cơ chế cụ thể, gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà họ đại diện. Có thể là một tỷ lệ phần trăm rõ ràng trong lợi nhuận để khuyến khích họ tăng lợi nhuận công ty, cũng như gắn bó hơn.

Còn với cơ chế mà SCIC đã xây dựng và trình bộ ngành liên quan, “siêu tổng công ty” này sẽ trực tiếp cử, ủy quyền, miễn nhiệm người đại diện chuyên trách tại doanh nghiệp; đặc biệt là thực hiện chi trả lương, thưởng cho người đại diện gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của họ được giao và đảm bảo không thấp hơn lợi ích của các chức danh quản lý tương đương tại doanh nghiệp được hưởng.

Cơ chế đó triển khai sẽ là một bước đột phá, vừa tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đại diện - phần vốn Nhà nước - đối với yêu cầu và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; mặt khác, vốn Nhà nước theo đó cũng có thêm động lực để gia tăng giá trị.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate