April 03, 2024 | 07:38 GMT+7

Quản trị điện tử và dịch vụ công điện tử năm 2023: Những “khoảng cách số” cần thu hẹp

Bảo Bình -

Mặc dù số người sử dụng mạng internet ngày một tăng, tốc độ phát triển dịch vụ công trực tuyến nhằm hỗ trợ công dân thực hiện thủ tục hành chính công mọi lúc, mọi nơi còn rất chậm…

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2023 vừa được công bố tại Hà Nội vào sáng ngày 2/4. Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Mục tiêu chính của Chỉ số PAPI là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân tại Việt Nam. Từ năm 2009, Chỉ số PAPI đã lắng nghe 197.779 lượt người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học phản ánh về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, PCI, hay chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index), một mặt được coi là căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương; mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

NHỮNG “KHOẢNG CÁCH SỐ” TRONG SỬ DỤNG INTERNET, MÁY TÍNH CÁ NHÂN VÀ SMARTPHONE

Một trọng tâm quan trọng của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số trong thời gian qua. 

Quản trị điện tử hiệu quả có ý nghĩa quan trọng bởi qua đó người dân có thể tránh được thủ tục hành chính rườm rà, đồng thời thúc đẩy công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc áp dụng chính quyền điện tử đã giúp kiểm soát tham nhũng tốt hơn, nhất là các hành vi tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Theo Báo cáo PAPI 2023, từ năm 2020 đến năm 2022, Chính phủ và các cơ quan hữu quan Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và dịch vụ công trên môi trường mạng. Tất cả những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ làm giảm sự tùy tiện, quan liêu trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. 

Một yếu tố thành công cho quản trị điện tử tại Việt Nam là số lượng người tiếp cận và sử dụng internet tại nhà tiếp tục tăng lên. Kết quả khảo sát PAPI cho thấy, tỉ lệ người dùng internet tại nhà tăng đáng kể từ 75% năm 2022 lên 80% năm 2023, cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ 31% vào năm 2016. 

Tuy nhiên, đang tồn tại những “khoảng cách số” giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu trong tiếp cận, sử dụng internet, máy vi tính cá nhân và điện thoại thông minh. Điều này làm ảnh hưởng tới tính bình đẳng trong tham gia quản trị điện tử của tất cả mọi người dân. 

Quản trị điện tử và dịch vụ công điện tử năm 2023: Những “khoảng cách số” cần thu hẹp - Ảnh 1

Về việc sử dụng internet tại nhà, mặc dù nam giới và phụ nữ có điều kiện sử dụng internet ngày càng tăng, nhưng tỉ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn từ 5%-10% so với nữ giới qua các năm từ 2016 đến 2023. Tương tự, người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn từ 10%-20% so với người Kinh qua các năm. 

Về việc sở hữu máy vi tính cá nhân, kết quả khảo sát từ 2018 đến 2023 cho thấy có khoảng cách lớn giữa người thành thị và người nông thôn, giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số và giữa người thường trú và người tạm trú, và khoảng cách này lớn hơn so với khoảng cách trong tiếp cận và sử dụng internet tại nhà. Đặc biệt, ở các tỉnh, thành phố tiếp nhận nhập cư tạm thời nhiều nhất, tỉ lệ người thường trú có máy vi tính cá nhân cao hơn 13% so với tỉ lệ này ở người tạm trú, theo kết quả khảo sát năm 2023.

Quản trị điện tử và dịch vụ công điện tử năm 2023: Những “khoảng cách số” cần thu hẹp - Ảnh 2

Theo kết quả khảo sát PAPI 2023, 90,8% số người trả lời cho biết họ có điện thoại thông minh. Mức độ sở hữu điện thoại thông minh có xu hướng phân bổ đồng đều trong mỗi nhóm được phân tích, và khoảng cách sở hữu điện thoại thông minh giữa các nhóm có xu hướng thu hẹp vào năm 2023.

Sự khác biệt lớn nhất là giữa người thường trú (98,84% cho biết họ sở hữu điện thoại thông minh) so với người tạm trú (91,51% sở hữu điện thoại thông minh), song cả hai tỉ lệ đều ở mức cao. Tiếp theo là khoảng cách giữa nhóm người Kinh (92,96%) và các nhóm người dân tộc thiểu số (86,88%). Với độ phủ rộng trong các tầng lớp dân cư, điện thoại thông minh cần được tận dụng để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến rộng khắp trong xã hội.

TỶ LỆ THÀNH CÔNG KHI LÀM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH  QUA CỔNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN CÒN THẤP

Mặc dù số người sử dụng mạng internet ngày một tăng, tốc độ phát triển dịch vụ công trực tuyến nhằm hỗ trợ công dân thực hiện thủ tục hành chính công mọi lúc, mọi nơi còn rất chậm. Từ năm 2020 đến 2023, tỉ lệ người dùng các cổng dịch vụ công trực tuyến cho biết họ tìm được thông tin và biểu mẫu để xin chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có xu hướng tăng dần. 

Tuy nhiên, số người đã thành công trong việc làm thủ tục hành chính thông qua các cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh vẫn còn rất thấp. Chỉ có khoảng 12% những người nộp đơn xin chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương có thể nộp trực tuyến; tỉ lệ này với hồ sơ xin cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoảng 5%. 

Dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân xin cấp lý lịch tư pháp (do cơ quan tư pháp cấp tỉnh xử lý) là điểm sáng, với 28,7% số người đã làm thủ tục trực tuyến có thể nộp thành công qua cổng dịch vụ công cấp tỉnh. 

Nhìn chung, người dân thành thị có trải nghiệm tích cực hơn người dân nông thôn khi sử dụng cổng dịch vụ công cấp tỉnh. Tỉ lệ người dùng cổng dịch vụ công cấp tỉnh tại 5 thành phố trực thuộc trung ương (gồm Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh) cộng lại cao hơn tỉ lệ trung bình ở mỗi vùng kinh tế. Tuy vậy, phần lớn người dùng dịch vụ công trực tuyến ở 5 thành phố trực thuộc trung ương vẫn phải đích thân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để trực tiếp hoàn thiện thủ tục hành chính. 

Một kết quả đáng khích lệ là số lượng công dân truy cập và thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng dịch vụ công Quốc gia ngày càng tăng. Năm 2023, khoảng 8,3% số người được hỏi qua khảo sát PAPI 2023 đã truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ đã ghi nhận từ khảo sát năm 2022. 

Thủ tục xin cấp mới hoặc cấp đổi hộ chiếu phổ thông là một trong số ít thủ tục hành chính công được người dân thực hiện nhiều nhất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tốc độ gia tăng tỉ lệ người dùng Cổng dịch vụ công Quốc gia hai năm vừa qua hứa hẹn nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính công trên môi trường mạng của người dân sẽ ngày càng lớn một khi các dịch vụ hành chính công trực tuyến dễ thực hiện hơn và hiệu quả hơn. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate