Lần đầu tiên Việt Nam có một doanh nghiệp được lọt vào Top 100 doanh nghiệp có điểm quản trị công ty tốt nhất trong ASEAN, đó là Vinamilk. Lần đầu tiên ngành chứng khoán Việt Nam có một doanh nghiệp tư nhân được nhận danh hiệu Anh hùng lao động, đó là SSI.
Những danh vị ấy là dấu son đẹp đẽ trong bức tranh tươi sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 - một năm đặc biệt khó khăn do yếu tố bất thường từ đại dịch.
Cổ đông Vinamilk tiếp tục có một năm hạnh phúc kể từ đầu năm 2020 đến nay, công ty này thực hiện chi trả cổ tức 3 lần bằng tiền mặt, với tỷ lệ 45%, đồng thời thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 5:1. Nhận nhiều như vậy, nhưng chưa hết. Cổ đông VNM còn được nhận lợi ích từ việc giá cổ phiếu tăng khá tốt trên sàn. Ngay cả khi điều chỉnh do chia cổ tức, thưởng cổ phiếu nói trên, thị giá VNM vẫn tăng gần 20% trong 1 năm qua. Nếu so với mức giá ghi nhận thời TTCK xuống đáy 650 điểm do đại dịch Covid-19, giá cổ phiếu VNM tăng 100%.
HIỆU ỨNG QUẢN TRỊ CÔNG TY TỐT
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cho biết, đối tượng thụ hưởng chính khi doanh nghiệp xây dựng được hệ thống quản trị hiệu quả chính là các cổ đông. Sau 3 năm vận hành chỉ số phát triển bền vững trên sàn HOSE và theo dõi từng bước tiến của doanh nghiệp, bà Đào vui mừng chia sẻ rằng, quản trị công ty tốt tỷ lệ thuận với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Thống kê của HOSE cho biết, nhóm doanh nghiệp có điểm quản trị công ty cao nhất trên sàn có lợi nhuận trên tổng tài sản đạt 7,2%, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 14,3%. Nhóm có điểm quản trị công ty thấp nhất, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản chỉ đạt 4,1%; lợi nhuận trên vốn chủ chỉ có 8,6%. "Như vậy quản trị công ty tốt đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định, ngăn ngừa rủi ro cũng như có thể đối phó tốt hơn với bất ổn của thị trường. Kết quả cuối cùng là đem lại lợi ích tốt hơn cho cổ đông", bà Đào nói.
Nhiều năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty dược phẩm Imexpharm, ông Nguyễn Quốc Định đều đích thân đến dự Lễ trao giải Cuộc bình chọn báo cáo thường niên, nay là Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết. Chọn thông điệp "Hoa sen ngàn năm vẫn nở", ông Định chia sẻ, điều ông mong ước nhất là Imexpharm sẽ phát triển trường tồn, nhưng làm cách nào để tạo nên điều đó thì cần liên tục cập nhật tri thức mới, tầm nhìn từ nhà quản trị hàng đầu trong nước và quốc tế.
Imexpharm chọn cho mình sứ mệnh dẫn đầu công nghệ, nhưng trong hoạt động điều hành trực tiếp, Tổng giám đốc công ty Trần Thị Đào chia sẻ, bà luôn quyết định mọi việc dựa trên sự phát triển bền vững của Imexpharm, sự ổn định, an tâm công tác của hơn 1.200 người lao động. Với cổ đông, Imexpharm xuất bản các bản tin hàng tháng, hàng quý, công bố thông tin về hiệu quả hoạt động trong tháng gần nhất, kế hoạch của tháng tiếp theo và đặc biệt là cập nhật về giao dịch cổ phiếu (thanh khoản và giá cả). Cách làm của Imexpharm truyền tải một thông điệp: xây doanh nghiệp tốt từ nội lực là việc quan trọng nhất, nhưng quan trọng không kém là trong từng giai đoạn, thị trường cần cảm nhận đúng và định giá đúng giá trị công ty.
Nếu như từ năm 1990 trở về trước, Việt Nam chưa có khái niệm về kinh tế tư nhân, thì khi Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân "đời đầu" ra đời (năm 1990), đã tạo nên cuộc cách mạng giải phóng sức sản xuất, thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân và quyền kinh doanh hợp pháp của tư nhân ở Việt Nam. Sau 30 năm, khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn lên nhanh chóng, đóng góp 44% vào tổng sản phẩm quốc nội, lớn nhất trong các thành phần kinh tế khác - theo chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đầu năm 2021.
Các văn bản luật được làm mới theo thời gian, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Việc lập nên một doanh nghiệp tại Việt Nam là câu chuyện không khó với bất kỳ chủ thể nào. Trong năm 2020, dù đại dịch Covid-19 xảy ra tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trên toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, vẫn có trên 130.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Chỉ cần 1 triệu đồng ban đầu là có thể thành lập doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để doanh nghiệp sống, lớn lên và trường tồn, thì doanh nhân cần phải có tài năng và bản lĩnh.
Là người từng tay trắng lập nên Tân Hiệp Phát - doanh nghiệp được chào mua với giá 2,5 tỷ USD, ông Trần Quí Thanh, người sáng lập tập đoàn chia sẻ, một doanh nghiệp để trường tồn thì phải hội đủ và phải quản lý tốt rất nhiều yếu tố, từ con người cho tới tài chính, công nghệ, đối thủ cạnh tranh, quản lý rủi ro... Trong giai đoạn đầu, người sáng lập, người chủ DN phải làm tất cả mọi việc nên rủi ro sẽ ít hơn.
Khi doanh nghiệp phát triển ngày càng lớn, phạm vi hoạt động được mở rộng và vươn xa thì doanh nghiệp rất dễ gặp phải nhiều vấn đề. Từ những vấn đề phổ thông như công tác nhân sự đến các vấn đề quản trị khác. Tất cả các yếu tố đó nếu quản lý không tốt sẽ gây ra trở ngại cho những bước đi tiếp theo, sau khi doanh nghiệp đạt được thành công nhất định trên thương trường.
Cũng theo Chủ tịch Tân Hiệp Phát, thời thế là không kiểm soát được vì luôn luôn biến động và trong biến động thời thế thì vẫn có những doanh nghiệp thành công hơn, chứ không phải tất cả mọi doanh nghiệp đều thất bại. Yếu tố chính quyết định sự trường tồn của DN là con người và khả năng quản trị hệ thống.
Ở vị thế doanh nghiệp tư nhân, được nhận danh hiệu cao quý nhất do Đảng và Nhà nước trao tặng sau 20 năm hoạt động, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI chia sẻ, nếu như 20 năm qua, SSI từ số 0 vươn lên danh vị anh hùng, thì đích đến tới đây của công ty là xây nên một huyền thoại về doanh nghiệp Việt. Huyền thoại, như Chủ tịch SSI chia sẻ, có nghĩa là hệ thống quản trị và con người trong bộ máy SSI đủ mạnh để công ty trường tồn phát triển trong dài hạn, vượt qua được mọi thách thức thương trường.
SẮC MÀU QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
Tại Việt Nam, để thực hiện mục tiêu nâng dần chất lượng quản trị công ty, trước hết là đối với DN niêm yết, giúp khối này hướng đến đáp ứng các chuẩn mực quản trị công ty tiến bộ của thế giới, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết đã liên tục cải thiện tiêu chí đánh giá trong 3 năm gần đây. Phó Tổng giám đốc HOSE Trần Anh Đào cho biết, việc cải thiện dựa trên thực tế là điểm quản trị công ty của DN Việt Nam đã tăng lên thể hiện qua mức điểm tăng lên trong dự án quản trị công ty khu vực ASEAN, cho phép gia tăng các tiêu chuẩn quản trị công ty ASEAN trong bộ tiêu chí đánh giá. Bên cạnh đó, năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam có Bộ nguyên tắc quản trị công ty do Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước xây dựng.
Trong 4 nội dung chính đánh giá chất lượng quản trị công ty của một doanh nghiệp (Quyền cổ đông và đối xử bình đẳng giữa các cổ đông/Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan/Công bố thông tin và minh bạch/Trách nhiệm của hội đồng quản trị) thì nội dung đánh giá trách nhiệm của hội đồng quản trị được IFC và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đặc biệt coi trọng, vì đây là yếu tố quyết định sự tồn vong của mỗi doanh nghiệp.
Điểm đáng mừng là năm 2020, nhiều doanh nghiệp niêm yết được điểm cao trong đánh giá về trách nhiệm hội đồng quản trị. Cụ thể, gần 82% công ty đáp ứng thông lệ tốt là không có thành viên Hội đồng quản trị là Tổng giám đố đã từng tại vị trong thời gian 2 năm trước đây (kể từ đầu năm tài chính được đánh giá); 86% công ty có Hội đồng quản trị đã tổ chức họp ít nhất mỗi quý 1 lần, và mỗi thành viên tham gia tối thiểu 3/4 cuộc họp Hội đồng quản trị trong năm và các báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị chỉ ra được kế hoạch trong tương lai của Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, so với chuẩn mực quốc tế, điểm yếu của doanh nghiệp Việt còn không ít khi chỉ có 20% doanh nghiệp có Hội đồng quản trị của công ty đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập; 35% doanh nghiệp đang có thành viên Hội đồng quản trị đang đồng thời nắm giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị của trên 5 doanh nghiệp khác.
Chỉ có 5,5% doanh nghiệp công bố các tiêu chí sử dụng để lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị mới cao hơn mức cơ bản luật định gắn với chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp và hầu như không doanh nghiệp nào có chính sách đảm bảo cân bằng giới trong hội đồng quản trị. Số doanh nghiệp có bộ phận kiểm toán nội bộ rất thấp, chỉ khoảng 27% và mới có 45% doanh nghiệp công bố cách thức quản lý các rủi ro quan trọng (như tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, vận hành, công nghệ thông tin, môi trường, xã hội và kinh tế...).
Đó là đánh giá với những doanh nghiệp niêm yết, ở họ có sẵn tinh thần minh bạch cùng tinh thần quản trị theo quy định pháp lý và chuẩn mực quốc tế. Hiện Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động, nhưng mới chỉ có chưa đến 750 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chúng khoán.
Lập nghiệp và trường tồn là những khát vọng đẹp, nhưng để Việt Nam có thêm những doanh nghiệp giá trị như: Vinamilk, SSI... chắc chắn là một chặng đường dài đổi mới và nỗ lực, từ tư duy chính sách đến tư duy doanh nhân.