February 02, 2023 | 13:09 GMT+7

Quảng Bình: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp thoát nghèo bền vững

Nhật Dương -

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và mô hình hay, tỉnh Quảng Bình đã giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể, nhiều người dân được hưởng lợi và vươn lên thoát nghèo…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có được kết quả này, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Tại Quảng Bình, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động nghèo, cận nghèo nói riêng trên địa bàn tỉnh được triển khai tương đối đồng bộ, có chiều hướng chuyển biến tích cực.

Người lao động sau khi học nghề đã tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm mới, tăng năng suất lao động, thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.

 

Năm 2023, tỉnh Quảng Bình phấn giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ.

Các ngành, địa phương cũng đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện các dự án, mô hình như chăn nuôi gà, lợn, bò sinh sản và trồng trọt…cho các hộ thụ hưởng để phát triển sản xuất, sinh kế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng là một trong những mô hình được một số địa phương tại Quảng Bình xây dựng và áp dụng hiệu quả nhằm giúp đỡ hộ nghèo về sinh kế để vươn lên thoát nghèo.

Tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), địa phương đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các đoàn thể của huyện, các đơn vị xuất khẩu lao động, các ngân hàng trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, vay vốn, định hướng... cho các đối tượng tham gia xuất khẩu lao động chọn việc làm, thị trường phù hợp với khả năng và hoàn cảnh gia đình.

Cùng với đó, xã Phúc Trạch cũng tổ chức đoàn các trưởng thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện; giới thiệu những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có con em đi làm việc ở nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình xóa đói giảm nghèo…

Xuất khẩu lao động đã mở ra hướng đi mới cho việc thoát nghèo, theo đó nhiều hộ gia đình có người xuất khẩu lao động đã vươn lên thành hộ khá.

Cùng với xuất khẩu lao động, xã cũng tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển, mở rộng nhiều ngành nghề mới. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: lạc lai, ngô lai, các loại giống có năng suất cao đã được nhân rộng.

Bên cạnh triển khai các mô hình giảm nghèo, tỉnh Quảng Bình cũng chú trọng các giải pháp về cho vay vốn tạo việc làm cho người nghèo. Theo đó, tỉnh cũng đã tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng chính sách xã hội quản lý, đây có thể coi là trụ cột đối với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm.

Quảng Bình tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển, mở rộng nhiều ngành nghề mới.
Quảng Bình tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển, mở rộng nhiều ngành nghề mới.

Tại xã Minh Hóa, một huyện miền núi biên giới Minh Hóa có 776/927 số hộ dân trong toàn xã là khách hàng của Ngân hàng chính sách xã hội đã sử dụng hơn 17 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư trồng rừng, thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi.

Theo Uỷ ban nhân dân huyện Minh Hóa, từ nguồn vốn ưu đãi đã lồng ghép chặt chẽ với các nguồn lực tài chính khác và chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho toàn huyện giảm được khoảng 4% hộ nghèo, sớm đưa địa phương thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a.

 Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, trong năm 2021, thực hiện chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ gần 700 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 3 dự án chăn nuôi thỏ sinh sản với quy mô 449 con thỏ giống cho 64 hộ tại xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy); phê duyệt 1 dự án trồng bưởi Phúc Trạch với quy mô 3,2ha cho 17 hộ mới thoát nghèo tại xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa)...

Năm 2022, các hội, đoàn thể trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo. Đơn cử như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình phối hợp với Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai trao nguồn vốn hỗ trợ sinh kế 20 hội viên phụ nữ khó khăn tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) mức 25 triệu đồng/hộ với tổng trị giá 500 triệu đồng. Thời gian nhận nguồn vốn hỗ trợ là 60 tháng (từ tháng 5/2022 đến 4/2027) với lãi suất 0,1%/tháng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) đã hỗ trợ sinh kế 43 nạn nhân bom mìn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh. Trong đó 40 nạn nhân được nhận bò  sinh sản trị giá 12 triệu đồng/con và 3 nạn nhân được hỗ trợ nhà ở trị giá 50 triệu đồng.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo của Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh có 16.657 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và 13.731 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Kết quả đến 31/12/2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,0% (đạt kế hoạch đề ra) với tổng số hộ nghèo còn lại là 12.855 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,76% với số hộ cận nghèo còn lại là12.250 hộ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate