June 03, 2023 | 17:34 GMT+7

Quảng Nam được quy hoạch thành vùng nguyên liệu sâm Việt Nam

Ngô Anh Văn -

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...

Sâm Ngọc Linh bán tại Hội chợ Sâm Quảng Nam
Sâm Ngọc Linh bán tại Hội chợ Sâm Quảng Nam

Theo Chương trình phát triển Sâm Việt Nam, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Turn, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Turn và Lai Châu.

Mục tiêu chung của Chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược, chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030 bảo tồn nguồn gene sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt 21.000ha vào năm 2030.

Cùng với đó, sản lượng khai thác từ năm 2030 đạt 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000ha/năm); đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương; đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm gắn với vùng trồng nguyên liệu.

Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Giống sâm Ngọc Linh được ươm trồng dưới tán rừng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngô Anh Văn.                                  
Giống sâm Ngọc Linh được ươm trồng dưới tán rừng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngô Anh Văn.                                  

Việc triển khai Chương trình sẽ được thực hiện đồng bộ, từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương. Từ đó phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa Sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược; chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với bảo hộ thương hiệu Sâm Việt Nam.

Việc nuôi, trồng, phát triển Sâm Việt Nam trong môi trường rừng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đi đôi với việc bảo tồn tại chỗ nguồn gen Sâm Việt Nam; sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, không làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm chức năng của khu rừng.

Đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa gồm: Sâm Ngọc Linh (Panax vỉetnamensis Ha et Grushv), Sâm Lai Châu (Panax vỉetnamensỉs var.fiscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai).

Về quỹ đất dự kiến để gây trồng, phát triển Sâm Việt Nam phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh tại Chương trình này bao gồm: gây trồng, phát triển dưới tán rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo phựơng thức sản xuất lâm, nông kết hợp theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất trồng cây nông nghiệp. Thời gian thực hiện: Giai đoạn I: từ năm 2023 đến hết năm 2030; Giai đoạn II: đến năm 2045, được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn I.

Cùng với đó, Chương trình cũng đánh giá các loài Sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên thuộc các tỉnh: Quảng Nam, Kon Turn, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên về: phân bố, loài (phân tích gen), diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp. Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ) nguồn gen cây Sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên, ưu tiên ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Turn, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài Sâm Việt Nam và xác định vùng trồng thích hợp.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hơp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và ủy ban nhân dân các tỉnh trong phạm vi Chương trình triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung công tác nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống Sâm Việt Nam; hình thành các cơ sở sản xuất giống hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô diện tích vùng trồng Sâm Việt Nam phù hợp, đảm bảo hiệu quả, trong đó ưu tiên tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Turn, Lai Châu, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với khả năng cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân khoảng 2.000 ha/năm.

Dự kiến, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 có tổng diện tích 21.000 ha; trong đó diện tích dưới tán rừng phòng hộ là 15.189 ha; dưới tán rừng sản xuất 5.788 ha; trên đất nông nghiệp khác 23 ha. Các địa phương được xác định có diện tích lớn triển khai Chương trình là: Quảng Nam 8.400 ha; KonTum 8.180 ha; Lai Châu 3.000 ha.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate