February 19, 2024 | 07:00 GMT+7

Quảng Nam: Khẩn trương triển khai Dự án mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai

Ngô Anh Văn -

Tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp đề xuất thực hiện Dự án mở rộng và nâng cấp bến cảng Chu Lai thuộc Khu bến cảng Tam Hiệp, với tổng vốn đầu tư gần 1.589 tỷ đồng.

Tàu cập cảng Chu Lai bốc xếp hàng hóa. Ảnh Thaco ChuLai
Tàu cập cảng Chu Lai bốc xếp hàng hóa. Ảnh Thaco ChuLai

Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết vừa tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của Công ty TNHH Cảng biển quốc tế Chu Lai đề xuất thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai tại Khu bến Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, quy mô dự án được mở rộng trên diện tích sử dụng đất cho xây dựng bến cảng là 1,72 ha; nâng cấp bến cảng Chu Lai thuộc Khu bến cảng Tam Hiệp cho tàu 50.000DWT. Nhu cầu sử dụng đất của dự án nằm trong phạm vi 5,48 ha đã đăng ký trong kỳ Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Núi Thành được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1354/QĐUBND ngày 03/7/2023. Hiện trạng khu vực này là đất mặt nước, do nhà nước quản lý và không có hộ gia đình hoặc cá nhân sử dụng.

Dự án mở rộng và nâng cấp bến cảng Chu Lai có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1.589 tỷ đồng; tiến độ thực hiện Dự án là năm 2024 và 2025. Thời hạn hoạt động của Dự án là 70 năm…

Việc mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai được thực hiện tuân thủ theo đúng các quy định về quy hoạch tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó,  cảng Chu Lai (thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải) là một trong 15 cảng biển của cả nước được quy hoạch từ cảng biển loại 2 (cảng tổng hợp địa phương) thành cảng biển loại 1 (cảng quốc gia, đầu mối khu vực) trong những năm đến.

Mục tiêu của dự án theo Quy hoạch là phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai trở thành một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương trong nước và quốc tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; là cửa ngõ kết nối ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Tàu váo cảng Chu Lai bốc hàng cát trắng xuất khẩu.
Tàu váo cảng Chu Lai bốc hàng cát trắng xuất khẩu.

Để phát triển cảng Chu Lai tương xứng với quy mô, sản lượng khai thác hàng hóa của cảng biển loại 1, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán khảo sát, lập quy hoạch phát triển cảng biển Chu Lai định hướng đến năm 2030.

Toàn khu vực cảng Chu Lai có diện tích 140 ha, là công trình đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực logistics tại khu vực miền Trung, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói, đồng thời giải quyết bài toán giao nhận - vận chuyển và thu hút các nhà đầu tư đến với Khu kinh tế mở Chu Lai.

Cảng Chu Lai là cảng sông có quy mô lớn duy nhất tại miền Trung, có ưu điểm là cảng kín gió, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến sông Trường Giang, cách thành phố Đà Nẵng gần 80 km, cách Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) gần 30 km, cách KCN VSIP (Quảng Ngãi) 40 km, KCN Bắc Chu Lai và KCN THACO Chu Lai 3 km, KCN Tam Thăng (Tam Kỳ) 20km, được kết nối với Quốc lộ 1A (2km) và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (4km)…. trong khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi, hệ thống nhà ga và sân bay quốc tế.

Đây là cảng hàng hóa tổng hợp được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với kết cấu bến liền bờ, bằng công nghệ cừ larsen tiên tiến rất phổ biến tại các quốc gia trên thế giới như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore... Cảng có công suất 3 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 500m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có trọng tải đến 30.000 tấn. Đây là cảng tổng hợp có thể khai thác đa dạng các loại hàng hóa như :hàng container, hàng rời, hàng siêu trường siêu trọng, hàng lỏng, khí…

Cảng Chu Lai là đầu mối quan trọng trong hoạt động của Chu Lai Logistics, là nơi cập bến của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới như: SITC (Hàn Quốc), APL (Nhật Bản), COSCO (Trung Quốc), ZIM (Isarel)… Bên cạnh các tuyến vận chuyển nội địa, cảng Chu Lai còn khai thác các tuyến vận chuyển quốc tế từ Khu kinh tế Chu Lai đến cảng cảng lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và ngược lại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate