Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký Báo cáo số 92-BC/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, định hướng phát triển du lịch kết hợp phía Bắc, phía Tây, phía Nam của tỉnh Quảng Nam, liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tuyến/tour vòng tròn du lịch trong tỉnh và tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết.
Mục tiêu, đến năm 2025, Quảng Nam đón khoảng 12 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế chiếm 50%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng.
Đến năm 2030, tỉnh này dự kiến đón khoảng 18 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế chiếm 55% tổng lượng khách. Thu nhập xã hội từ du lịch tăng lên 45.000 tỷ đồng.
Về công tác quy hoạch, phía Bắc: tập trung phát triển Hội An trở thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước; Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia. Hoàn thành khai thông, nạo vét sông Cổ Cò phục vụ phát triển tuyến du lịch Hội An – Đà Nẵng; thu hút đầu tư phát triển núi Bằng Am trở thành khu du lịch mới.
Phía Nam: phấn đấu đến năm 2025, hình thành được một số khu du lịch lớn tại vùng Đông Nam Thăng Bình, vùng Đông Tam Kỳ và huyện Núi Thành.
Đây sẽ là không gian ưu tiên tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch nhằm giảm tải cho khu vực di sản với định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ MICE.
Tập trung thu hút phát triển dịch vụ cao cấp hướng đến thị trường khách có nhu cầu trải nghiệm di sản văn hóa, thiên nhiên và nghỉ dưỡng dài ngày, chi tiêu cao với việc hình thành những trọng điểm du lịch mới ở dải đất ven biển phía Nam gồm các khu du lịch, vui chơi giải trí, thể thao đẳng cấp, độc đáo và khác biệt, bổ sung cho các sản phẩm di sản nhằm thu hút khách quốc tế...
Từ đó, nghiên cứu thu hút thị trường khách quốc tế thông qua loại hình du lịch tàu biển và Cảng hàng không Chu Lai; hình thành tuyến du lịch đường sông, đường biển kết nối các đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Tam Hải, Núi Thành và các điểm du lịch ven biển kết nối phát triển và mở rộng tour đến đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thông qua hệ thống cảng biển, bến sông; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Núi Thành để phát triển du lịch.
Phía Tây: tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm…
Nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa đặc sắc tại các huyện miền núi, phát triển loại hình du lịch chữa bệnh từ các nguồn dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.
Tỉnh dự định đẩy mạnh công tác liên kết với Thái Lan và Lào để thu hút khách du lịch thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) – Đắc Tà Ọoc (Sê kông, Lào) và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên để đón dòng khách từ những địa phương này.