August 02, 2023 | 10:51 GMT+7

Quảng Nam tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5

Ngô Anh Văn -

Quảng Nam tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương là vùng trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất nước, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ sâm Ngọc Linh...

Rước biểu tượng tại Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5.
Rước biểu tượng tại Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5.

Tối mùng 01/8, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (01/8/2003-01/8/2023).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nhấn mạnh huyện Nam Trà My là nơi được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam; là một trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh, nằm trên trục đường giao thông phía Tây - Nam, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Quảng Nam với khu vực

Những năm qua, huyện Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000ha tại 7/10 xã của huyện; có trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 - 600 tỷ đồng/năm.

Với ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng của sâm Ngọc Linh, ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Turn, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại 03 tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Nam Trà My nói riêng phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để triển khai hiệu quả các chủ trương về phát triển cây sâm Ngọc Linh ngang hàng với các loại sâm đặc biệt quý hiếm trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương”, ông Phan Việt Cường nhấn mạnh.

Theo Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh tập trung thực hiện việc bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; đầu tư phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 8.400 ha vào năm 2030, với 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 75 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 250ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP, WHO (thực hành tốt nuôi trồng và chế biến).

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện uỷ Nam Trà My, cho biết trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810 ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng Sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng.

Nhấn mạnh về ý nghĩa của Lễ hội, ông Lê Thanh Hưng cho rằng “Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ V là sự kiện quan trọng để truyền tải các thông điệp của Sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và trên thế giới, Quảng Nam quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trong đó cây sâm Ngọc Linh là chủ lực.

Cùng với Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5, dịp này huyện Nam Trà My cũng đồng thời tổ chức các sự kiện kỷ niệm 20 năm tái lập huyện. Đây là dịp để toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số huyện nhà cùng nhau ôn lại chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển đã qua; xác định mục tiêu, định hướng cho chặng đường phát triển tiếp theo. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử chính trị trọng đại, trở thành một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate