Theo báo cáo từ cơ quan chuyên môn của tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam, xuất hiện một số vấn đề chưa rõ trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản.
Cụ thể, về việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 84 theo Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản chưa quy định việc giải quyết tiếp theo, đối với các trường hợp đã được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực, mà Giấy phép đó hết thời hạn sau ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực.
Trong khi đó, quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản: “UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.
Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nào thì có quyền gia hạn, thu hồi, chấp thuận trả lại loại giấy phép đó; chấp thuận trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; chấp thuận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản”.
Tại khoản 3 Điều 55 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định: “Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nào là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản đó. Quyết định điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản là văn bản pháp lý không tách rời với Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó”; được hiểu là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thì được quyền cấp phép gia hạn, điều chỉnh, cho phép chuyển nhượng đối với các Giấy phép đã cấp theo thẩm quyền.
Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cho ý kiến hướng dẫn đối với các trường hợp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy phép thăm dò và cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường, hoặc đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo diện không bắt buộc phải thăm dò theo quy định, và trong thời hạn được cấp phép khai thác, doanh nghiệp đã tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng còn lại của mỏ, được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò, thì sau ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực, UBND tỉnh Quảng Nam có được quyền xem xét gia hạn khi giấy phép khai thác khoáng sản gần hết thời hạn, hoặc điều chỉnh, cho phép chuyển nhượng Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp trước đó, hoặc cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực này mà không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không?
Đối với các trường hợp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm đá vật liệu xây dựng thông thường theo diện không bắt buộc phải thăm dò theo quy định, sau ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực, Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng chưa thăm dò, thì UBND tỉnh Quảng Nam có được quyền xem xét cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, tiếp đến là cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đó, không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không?
Đối với các trường hợp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy phép khai thác khoáng sản vàng gốc theo diện không bắt buộc phải thăm dò theo quy định, sau ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực, doanh nghiệp đã thuê Liên đoàn Địa chất thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên vàng còn lại của mỏ, trình Báo cáo kết quả điều tra hiện trạng và xác định tài nguyên còn lại của mỏ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt, sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định, phê duyệt là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, thì UBND tỉnh Quảng Nam có được quyền xem xét cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, tiếp đến là cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đó không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không?
Trường hợp trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng chưa được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thì sau ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực, UBND tỉnh Quảng Nam có được quyền xem xét cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không?