UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đến năm 2025.
Chương trình được triển khai nhằm huy động mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển sinh kế người dân tại lưu vực các hồ chứa thủy điện, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình của Chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh.
Cùng với phát triển thủy điện, kết hợp đa dạng các loại hình, mô hình phát triển kinh tế, Quảng Nam kêu gọi đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.
Trong đó, đặc mục tiêu cụ thể năm 2023, mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 01 mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 02 mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, tất cả các huyện có hồ chứa thủy điện đều có các loại mô hình sinh kế bền vững cho người dân.
Để triển khai đạt mục tiêu đề ra, Chương trình đã đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, năng lực cho chính quyền địa phương, người dân, cộng đồng người dân tại các lưu vực hồ chứa thủy điện.
Tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi tại các huyện miền núi, đặc biệt là các lòng hồ thủy điện chưa triển khai mô hình nuôi cá lồng bè. Song song đó, phát triển đồng thời các dịch vụ để hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng bè như: Dịch vụ cung cấp cá giống, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thức ăn và thú y thủy sản, ...
Hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá lồng/bè để phát triển các vùng nuôi cá đủ quy mô, số lượng và chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác giao khoán rừng đến người dân tái định cư thủy điện để người dân có nguồn thu nhập ổn định từ nguồn thu thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm giảm thiểu tác động vào rừng.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng như nuôi gia súc, trồng dược liệu, ... gắn việc sản xuất với việc bảo vệ môi trường rừng môi trường sinh thái. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng lòng hồ thủy điện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các địa phương có khu vực lòng hồ thủy điện…
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 36 thủy điện lớn nhỏ, trong đó có 4 thủy điện lớn ảnh hưởng đến vùng hạ du khu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là Sông Bung 4, Đắk Mi 4, A Vương và Sông Tranh 2. Những năm qua, ngoại trừ những trường hợp hi hữu, bất khả kháng thì các thủy điện này đã góp phần không nhỏ trong việc cắt lũ, giảm thiệt hại cho vùng hạ du.