Lễ khánh thành sẽ được tổ chức tại khu vực Trạm thu phí Tiên Yên, huyện Tiên Yên. Sau đó, các đại biểu sẽ đi tham quan dọc tuyến cao tốc cho tới tận nút giao thông cuối tuyến ở TP.Móng Cái.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, trong đó đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,8 km được triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư hơn 3.650 tỷ đồng; tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26 km theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư hơn 9.110 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.
Công trình có điểm đầu gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái), được bố trí 4 trạm thu phí, trong đó trạm đầu đặt ở Km112 + 900 và trạm cuối đặt ở Km146 + 500. Toàn tuyến có 32 cầu vượt biển, sông suối với tổng chiều dài gần 8 km (chiếm 10% tổng chiều dài tuyến) nhằm giảm thiểu tác động đến hệ thống rừng ngập mặn và môi trường xung quanh tuyến. Được đánh giá rất cao về phong cảnh kéo dài suốt lộ trình với cảnh sắc tự nhiên khi kết hợp hài hòa với rừng và biển.
Toàn tuyến cao tốc được trang bị hệ thống giao thông thông minh ITS hiện đại với tổng cộng 66 camera CCTV có thể quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 01 km.
Đây là tuyến cao tốc thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh, tạo thành một tuyến cao tốc đồng bộ dài khoảng 200km xuyên suốt chiều dài của tỉnh Quảng Ninh, kết nối liên thông với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km) và Quảng Ninh là tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176km/1.046km). là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn) cùng hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Kiến tạo hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, động lực mới để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, đây là công trình lớn được thi công trong những giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch Covid -19, dự án được triển khai vào cuối năm 2018 khi Quảng Ninh khánh thành cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, Tuy nhiên, trong thời gian triển khai dự án, dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và lan rộng toàn cầu. Hàng loạt giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh được triển khai, khiến công tác tổ chức thi công dự án gặp nhiều khó khăn.
Có thời điểm, quá trình thi công rơi vào bế tắc vì vướng mắc tài chính của nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn vì phải thu hồi trong thời gian ngắn, liên quan đến hàng nghìn hộ dân cùng nhiều công trình công cộng kéo dài trên toàn tuyến với diện tích gần 190 ha ( lớn nhất từ trước đến nay), các yếu tố kỹ thuật thi công trên nhiều địa hình phức tạp, nguồn nhân lực bị thiếu do đại dịch, giá nguyên vật liệu liên tục tăng cùng thời tiết biến động cực đoan kéo dài…
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tách Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành 2 dự án độc lập, gồm: Vân Đồn - Tiên Yên triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và Tiên Yên - Móng Cái đầu tư theo hình thức BOT; phát động Chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành công tác GPMB và đã hoàn thành chỉ với 15 ngày đêm; vận hành cao nhất cơ chế phòng, chống dịch với kịch bản, quy trình linh hoạt, chuyển công trường sang trạng thái khép kín; khắc phục khó khăn về giá nguyên vật liệu tăng bằng việc bổ sung nhà thầu có năng lực, thực hiện điều chuyển khối lượng, hạng mục giữa các gói thầu khác nhau…
Với rất nhiều nỗ lực, quyết tâm, thông minh, sáng tạo, sau hơn 2 năm thi công. cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành. Công trình được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đánh giá là kỳ tích, sự đột phá điển hình về xây dựng hạ tầng giao thông trong toàn quốc.