November 29, 2023 | 10:16 GMT+7

Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí "quán quân" thu hút FDI

Trương Quốc Cường -

Trong 11 tháng đã qua của năm 2023, Quảng Ninh vẫn giữ được thứ hạng thu hút FDI cao nhất cả nước, 4 địa phương còn lại gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang đều có sự thay đổi so với tháng trước...

Quảng Ninh giữ vị trí top đầu trong thu hút FDI
Quảng Ninh giữ vị trí top đầu trong thu hút FDI

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), sau 11 tháng năm 2023 trong dòng vốn FDI đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỉ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Đứng sau Quảng Ninh là TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước.

Tiếp theo là Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,8 tỷ USD. Trước đó, tổng kết sau hơn 10 tháng năm 2023 Hải Phòng đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đứng thứ 4 về thu hút vốn FDI sau 11 tháng năm 2023 là Bắc Giang với 2,7 tỷ USD và  Hà Nội xếp cuối cùng trong top 5 với  2,6 tỷ USD.

Với sự đồng hành phối hợp chặt chẽ của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã có tác động rất tích cực đến tốc độ thu hút đầu tư quốc tế.

Sau 11 tháng, tổng vốn FDI đầu tư mới trên cả nước tăng 42,4%, đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022. Số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ.

Tính lũy kế đến ngày 20/11/2023, cả nước có 38.844 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 462,4 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt gần 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.  Các dự án đã giải ngân được khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.

Xu hướng phần lớn dòng vốn tiếp tục đổ về các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.

Dòng vốn FDI tiếp tục mở rộng trong nhiều lĩnh vực, đến nay các công ty, tập đoàn kinh tế quốc tế đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế của Việt Nam.  Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 280,5 tỷ USD (chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,6 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 38,6 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

Xét theo đối tác đầu tư, trong 11 tháng năm 2023, đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỷ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 10,9% so với cùng kỳ 2022. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 4,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,17 tỷ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,1%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,9%).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate