October 24, 2023 | 17:14 GMT+7

Quảng Trị đã xử lý nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Song Hoàng -

Nguồn nước sông Sa Lung đang bị ô nhiễm. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện một số đơn vị có hành vi xả nước thải có các thông số vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường gồm: Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền; Nhà máy giấy của Công ty CP Bắc Trung Bộ...

Sông Sa Lung, Quảng Trị
Sông Sa Lung, Quảng Trị

Chiều ngày 23/10/2023, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan để nghe báo cáo công tác quản lý chất lượng nước sông Sa Lung.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, sông Sa Lung cấp nước tưới cho 419 ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn; cấp nước phục vụ sản xuất trong lưu vực, vùng thượng nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho thị trấn Bến Quan và một phần khu dân cư xã Vĩnh Hà với lưu lượng 2.000 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước sông Sa Lung đang bị ô nhiễm. Đặc biệt, trong đợt tháng 9 - 10/2023, Tổ công tác địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện một số đơn vị có hành vi xả nước thải có các thông số vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường gồm: Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền; Nhà máy giấy của Công ty CP Bắc Trung Bộ.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với địa phương kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và UBND huyện Vĩnh Linh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Đức Hiền với mức xử phạt 50 triệu đồng. Đối với Công ty CP Bắc Trung Bộ, Công an huyện Vĩnh Linh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty, đang trình UBND huyện xem xét xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị dừng xả thải nước thải vượt quy chuẩn cho phép để khắc phục.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Đức Hiền đã thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, đã hoàn thành tu sửa lại hệ thống xử lý nước thải sản xuất với công suất xử lý 800 m3/ngày đêm. Công ty CP Bắc Trung Bộ đã hoàn thành nâng cấp hệ thống xử lý nước thải công suất 60m3/ngày đêm; nước thải sau xử lý được tuần hoàn tái sử dụng cho sản xuất; đã tháo dỡ hoàn toàn ống thoát nước từ hồ sinh học ra sông Sa Lung, cải tạo hệ thống nước mưa chảy tràn.

Đối với Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Trần Dương đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý khí thải, hệ thống xử lý nước thải với công suất xử lý 80m3/ngày đêm; nước thải sau xử lý được tuần hoàn tái sử dụng cho sản xuất.

Hiện nay, doanh nghiệp này đang vận hành thử hệ thống xử lý và đã trình hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường đến UBND huyện. Đối với nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, nuôi tôm, UBND huyện Vĩnh Linh đang tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh.

Sau khi nghe các ngành, đơn vị, địa phương phát biểu ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không cho phép đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Vì vậy, cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp không chấp hành quy định bảo vệ môi trường, để xảy ra tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Đồng thời đề nghị các ngành, địa phương khi cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp, cần yêu cầu nhà đầu tư cam kết đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp. Những đơn vị nào làm ảnh hưởng đến môi trường sống, cần xử lý nghiêm. Ông Hưng cũng đề nghị các ngành chức năng cần nghiên cứu, tham mưu lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động trong khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao để kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate