Năm 2024, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 12.500 lao động, trong đó, đưa 1.200 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, địa phương đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu các ngành nghề đang và sẽ là xu hướng để kịp thời bổ sung vào danh mục, nhất là các ngành nghề đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh hợp tác các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 20 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước phát triển nâng cao. Hằng năm, có khoảng từ 400 - 450 học sinh, sinh viên được hỗ trợ đến thực tập, nâng cao tay nghề tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 72,66%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 33%.
Ước tính đến 30/6/2024, toàn tỉnh Quảng Trị đã tuyển sinh, đào tạo cho 3.666 học viên, trong đó, cao đẳng 33 học viên, trung cấp 638 học viên; sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 2.995 học viên.
Từ đầu năm đến 30/6/2024, ước tính toàn tỉnh Quảng Trị giải quyết việc làm cho 6.578 lượt lao động. Trong đó, làm việc trong tỉnh 2.432 lượt lao động; làm việc ngoài tỉnh là 2.878 lượt lao động và 1.268 lao động làm việc ở nước ngoài.
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, để triển khai đa dạng hóa dịch vụ và cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Sở đã tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện việc thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Ước tính đến 30/6/2024, tỉnh này tiếp nhận 2.428 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thấp nghiệp, trong đó có 1.802 hồ sơ trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; thẩm định, ban hành 2.162 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí chi trả khoảng 39,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Trị, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính là 336.650 người, tăng 0,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nam 174.343 người, chiếm 51,79% và tăng 0,18%; nữ 162.307 người, chiếm 48,21% và tăng 0,24%; khu vực thành thị là 111.690 người, chiếm 33,18% và tăng 0,22%; khu vực nông thôn 224.960 người, chiếm 66,82% và tăng 0,20%.
Lực lượng lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh này ước tính là 329.620 người, chiếm 97,91% lực lượng lao động của tỉnh và tăng 0,32% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ trọng lao động có việc làm tăng lên ở khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm xuống ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 134.553 người, chiếm 40,82% trong tổng số lao động đang làm việc và giảm 0,70% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp - xây dựng 66.263 người, chiếm 20,10% và tăng 0,45%; khu vực dịch vụ 128.804 người, chiếm 39,08% và tăng 1,34% (cơ cấu 6 tháng đầu năm 2023 là: 41,24%, 20,08% và 38,68%). Như vậy,
Tỷ lệ thất nghiệp chung của người lao động tại Quảng Trị trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính là 2,09%, giảm 0,11 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của nam là 2,18% và của nữ là 1,99%; khu vực nông thôn là 2,24% và khu vực thành thị là 1,78%. Tỷ lệ thất nghiệp ở cả 2 khu vực thành thị và nông thôn, ở cả nam và nữ đều giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm còn khiêm tốn do tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn, khi nhu cầu thị trường thế gới và trong nước suy giảm.
Bình quân hằng năm người lao động của tỉnh Quảng Trị tìm kiếm được việc làm trên địa bàn tỉnh khoảng 6.500 đến 7.000 người; tìm được việc làm tại các tỉnh bạn khoảng 3.000 đến 4.000 người; tìm được việc làm ở thị trường nước ngoài khoảng 1.000 đến 1.500 người. Trong lúc đó, hằng năm nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tỉnh Quảng Trị là khoảng 17.000 lao động.