January 01, 2025 | 14:41 GMT+7

Quảng Trị thúc tiến độ dự án hơn 2.000 tỷ

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu chủ đầu tư Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (giai đoạn 1) kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện đúng với tiến độ đã đề ra, bên cạnh đó, tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án…

Công trường thi công Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (giai đoạn 1) tỉnh Quảng Trị
Công trường thi công Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (giai đoạn 1) tỉnh Quảng Trị

Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (giai đoạn 1) được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt vào tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.643 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 416 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2021-2026. Cuối tháng 4/2022, dự án được khởi công, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án có chiều dài tuyến khoảng 48 km đi qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà, đến nay, các địa phương đã bàn giao 22,15 km mặt bằng, nguồn vốn đã giải ngân năm 2024 là 345,026/345,183 tỷ đồng (đạt 99,95 %) và dự kiến các đoạn tuyến còn lại sẽ bàn giao vào Quý I/2025.

Trong đó, huyện Vĩnh Linh có chiều dài tuyến dự án đi qua là 23,06 km và đã bàn giao 5,1 km mặt bằng, huyện Gio Linh là 12,4 km và đã bàn giao 7,55 km mặt bằng; thành phố Đông Hà đã bàn giao 2,5 km mặt bằng trên 2,7 km mặt bằng phải giải phóng; huyện Triệu Phong có 9,5 km mặt bằng phải giải phóng và đến nay đã bàn giao 7 km mặt bằng.

Về công tác tái định cư tại các địa phương, thành phố Đông Hà đã hoàn thành công tác tái định cư cho 37 hộ dân bị ảnh hưởng.

Tại huyện Vĩnh Linh có 48 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án phải tái định cư và dự kiến xây dựng tại thị trấn Cửa Tùng 1 khu tái định cư, xã Vĩnh Thái 2 khu tái định cư, xã Kim Thạch cấp đất tái định cư tại chỗ.

UBND huyện Gio Linh đang thực hiện khảo sát, lập dự án đầu tư để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi xây dựng khu tái định cư cho 22 hộ bị ảnh hưởng. Huyện Triệu Phong có 53 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án phải tái định cư, UBND huyện đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán cho 5 khu tái định cư và đang triển khai các bước thực hiện tiếp theo.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, dự án có 4 gói thầu xây lắp và đang được thi công thực hiện các hạng mục, tuy nhiên, công tác thi công bị ảnh hưởng do thời tiết và nguồn vật liệu đắp nền đường phải vận chuyển từ các mỏ ở xa, nguồn cát đắp nền khan hiếm, trữ lượng các mỏ nhỏ dẫn đến phát sinh chi phí, làm chậm tiến độ.

Về công tác giải phóng mặt bằng của dự án còn gặp nhiều khó khăn trong xác định nguồn gốc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; công tác thanh lý diện tích rừng thuộc sở hữu của người dân và do nhà nước quản lý ở các địa phương còn chậm.

Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây là dự án trọng điểm và việc đảm bảo tiến độ thi công là rất quan trọng, vì vậy, ông Tiến chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện đúng với tiến độ đã đề ra, bên cạnh đó, tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công khi có thời tiết thuận lợi, nhất là việc đẩy nhanh thi công đoạn tuyến từ thành phố Đông Hà đến Triệu Phong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cần rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan tính toán, xác định cụ thể diện tích, đơn giá đất đai để có cơ sở hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Các địa phương rà soát, tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư, qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate