September 17, 2008 | 15:57 GMT+7

Quanh việc Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải

Xuân Nghi

Việc bắt quả tang Công ty Vedan Việt Nam xả nước thải xuống dòng sông Thị Vải mới đây đã làm bàng hoàng dư luận

Khung cảnh nhà máy của Vedan tại Việt Nam.
Khung cảnh nhà máy của Vedan tại Việt Nam.
Việc bắt quả tang Công ty Vedan Việt Nam xả nước thải xuống dòng sông Thị Vải mới đây đã làm bàng hoàng dư luận.

Dù đã có thông tin từ phía người dân về việc Công ty Vedan Việt Nam xả thải ra sông Thị Vải và dù đã từng có “tiền án” hơn 2 năm về trước, nhưng cơ quan chức năng là Cục Cảnh sát môi trường cùng đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải mật phục ròng rã 3 tháng trời, mới bắt được quả tang Vedan xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải.

Hệ thống “tinh vi”

Việc Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý theo quy định và có chứa rất nhiều chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống bên ngoài, nhất là dòng sông Thị Vải, vốn dĩ không còn xa lạ gì với công luận và dư luận người dân quanh khu vực này, từ hàng chục năm về trước.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cụ thể là những năm 1994 - 1995, Công ty Vedan đã lắp đặt một “hệ thống xử lý” có chủ ý: hệ thống bơm nhiều tầng nấc có các van đóng - mở linh hoạt và dẫn ra một đường ống “bí mật” được cắm sâu trong lòng đất trực chỉ ra sông Thị Vải.

Chỉ cần một cái lắc tay nhẹ nhàng, toàn bộ nước thải, lẽ ra đi vào hệ thống vận hành, sẽ đổ thẳng xuống dòng sông vô tội, mà bằng mắt thường khó mà phát hiện được. Theo dư luận người dân quanh khu vực, hầu như hệ thống này chỉ làm việc vào quá nửa khuya, lúc mọi người đã yên giấc.

Vào thời điểm đó, Công ty Vedan đã buộc phải bồi thường hàng chục tỷ đồng cho người dân, khi bị tố cáo là làm ô nhiễm sông Thị Vải làm chết cá tôm của các hộ dân, ngư dân địa phương.

Cách nay hơn 2 năm, giữa năm 2006, Công ty Vedan lại dính vào scandal, khi Thanh tra Cục Bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong lần kiểm tra hàng loạt các doanh nghiệp đóng trên địa bàn được cho là đã xả thải xuống sông Thị Vải, đã lại phát hiện Vedan, dù có xây dựng 3 hệ thống xử lý và xả thải “hiện đại”, nhưng tất cả là nhằm đối phó, đúng hơn là ngụy trang với cơ quan chức năng Trung ương và địa phương. Theo nhận định của đoàn thanh tra, hệ thống này không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết cho việc xử lý kỹ thuật, nếu không nói là làm cho có.

Dòng sông chết

Không chỉ sông Thị Vải mà toàn tuyến lưu vực sông Đồng Nai, từ lâu đã được báo động là ô nhiễm do nước thải các nhà máy sản xuất của 56 khu công nghiệp và khu chế xuất đang hoạt động.

Theo kết quả điều tra và khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường, nước sông Đồng Nai, đoạn từ nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại, đã bắt đầu ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, đáng chú ý đã phát hiện hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn TCVN 5942-1995. Tại đây, chất rắn lơ lửng thường vượt tiêu chuẩn 3 - 9 lần, giá trị COD vượt 1,8 - 2,8 lần, giá trị DO thấp dưới giới hạn cho phép.

Trong khi đó, chất lượng nước sông của khu vực hạ lưu, giá trị DO giảm xuống rất thấp, SS vượt từ 2 – 2,5 lần TCVN 5942- 1995 (loại B). Vùng này cũng đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng, nước sông khu vực này không thể sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Một kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM gần đây, cũng cho những con số tương tự về mức độ ô nhiễm của hệ thống sông Sài Gòn (thuộc lưu vực Đồng Nai). Cũng theo kết quả khảo sát này, các sông khác trong toàn lưu vực, chất lượng nước cũng đang bị suy giảm trầm trọng.

Ví dụ, chất lượng nước ở một số sông nhánh như sông Bé, Đa Nhim-Đa Dung phần hạ lưu cũng đang diễn tiến theo chiều hướng xấu. Sông Vàm Cỏ đã bị ô nhiễm hữu cơ.

Ô nhiễm nhất trong toàn bộ lưu vực đó là sông Thị Vải, trong đó có một đoạn sông dài trên 10 km gọi là “dòng sông chết”. Đây là đoạn sông từ sau khu vực hợp lưu Suối Cả - sông Thị Vải khoảng 2 km đến khu công nghiệp Mỹ Xuân.

Tại đây, nước bị ô nhiễm hữu cơ trầm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm, cả khi thủy triều. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá trị DO ở đây thường xuyên dưới 0,5 mg/l, có nơi chỉ 0,04 mg/l.

Với giá trị DO gần như bằng 0 như vậy, các loài sinh vật hầu như không còn khả năng sinh sống, các nhà khoa học đã gọi đoạn sông này là “đặc sệt sự chết!”.

Theo tính toán sơ bộ của các nhà chuyên môn, với tổng lượng nước thải hàng ngày vào khoảng hơn 4.000 m3 của một công ty sản xuất tầm cỡ như Vedan, nếu “không thèm” xử lý một ngày, có thể bỏ túi hàng trăm triệu đồng.

Có ý kiến đề nghị: để xử lý thật mạnh tay, nên tiến hành truy thu nguồn thu nhập bất hợp pháp và làm giàu trên sự giãy chết của cả một dòng sông, và dùng nó vào việc bồi thường thiệt hại bấy lâu nay cho người dân, đồng thời có kinh phí để cải thiện môi trường, giành lại sự sống cho “sông chết” Thị Vải.

Ngày 14/9, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường đã cho báo chí biết: sẽ xử lý nghiêm minh vụ việc và bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào kinh doanh tại Việt Nam cũng đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về Bảo vệ môi trường. Dư luận đang chờ sự quyết liệt lần này của các cơ quan chức năng Việt Nam.

* Theo thông tin từ trang web của Vedan Việt Nam, Vedan được sáng lập từ năm 1954 tại Ðài Loan. Công ty Vedan Việt Nam xây dựng nhà máy vào năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nằm ở phía Đông Nam Tp.HCM, với tổng diện tích 120 ha. Đến nay, các hạng mục đã đưa vào sản xuất gồm có: nhà máy sản xuất xút - clo, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột, nhà máy tinh bột biến đổi, nhà máy lysine, nhà máy phát điện và hơi, hệ thống xử lý nước thải, hồ chứa nước cho sản xuất, cảng, đường giao thông chuyên dụng, các khu làm việc, sinh hoạt, vui chơi.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate