Ngày 28/8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về vụ Nhật Bản truy tố 4 cựu quan chức công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói Việt Nam đã nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp đề nghị Việt Nam hợp tác điều tra vụ việc.
Theo ông Lê Dũng, hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực tiến hành xử lý vấn đề này. Người phát ngôn khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản để sớm làm rõ và xử lý thỏa đáng vụ việc, phù hợp với luật pháp Việt Nam, không để vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn ODA và quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Lê Dũng một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là kiên quyết thực hiện phòng, chống tham nhũng. Mọi hành vi tham nhũng, đưa hối lộ cũng như nhận hối lộ đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai.
Phát ngôn của ông Lê Dũng là tiếng nói chính thức của Chính phủ về vấn đề này, cũng là sự khẳng định chính thức về vụ việc nói trên.
Ở một góc độ khác, TS. Hồng Lê Thọ - một nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài, có nhiều nghiên cứu về Nhật Bản - từng có bài viết về chủ đề tham nhũng trong một số dự án ODA của Nhật Bản ở nước ngoài.
Theo ông Hồng Lê Thọ, vấn đề này đã bị dư luận trong và ngoài nước Nhật phê phán từ những năm 70 của thế kỷ trước khi có những tập đoàn của Nhật cấu kết để dành các hợp đồng béo bở như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (sân bay, bến cảng, đường cao tốc…), nhà máy gang thép, xi măng, nhà máy phát điện… trong chương trình viện trợ.
“Quy trình” cho việc này như sau: trước khi kí văn kiện thỏa thuận vay vốn ODA cho một công trình nào đó, thì người soạn thảo dự án của phía Nhật Bản tổ chức điều tra cơ bản để xác nhận các điều kiện kỹ thuật lẫn tài chính của dự án. Trong giai đoạn này, các công ty tư vấn sẽ nắm bắt thông tin một cách đầy đủ nhất để khi tham gia “đấu thầu”, luôn có sự đảm bảo rằng phần thắng sẽ thuộc về các công ty Nhật Bản.
Trong quá trình này, thông thường các nhà thầu sẽ liên kết thành một nhóm để thực hiện dự án sau khi có được một “thỏa thuận bí mật” (tiếng Nhật là Dango) về giá bỏ thầu ngay từ đầu mang tính cạnh tranh so với các nhà thầu của nước khác.
Không chỉ vậy, các nhà thầu Nhật Bản cũng tìm cách móc nối với giới chức lãnh đạo nước sở tại để thúc đẩy các dự án.
Bài viết của ông Hồng Lê Thọ cho biết, thực trạng này đã kéo dài nhiều năm và gây nên sự bất bình trong dân chúng Nhật Bản. Những người Nhật đang đóng thuế để có nguồn ODA cho các nước khác vay, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Sự phản ứng của người dân đã đưa tới những nỗ lực của nhiều nhiệm kỳ Chính phủ Nhật Bản trong việc chống lại hành động “tham nhũng có tổ chức này”.
Chống tham nhũng không là chuyện riêng của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và mở rộng hợp tác giữa các quốc gia. Những nỗ lực của cơ quan chức năng và cả báo giới Nhật Bản trong vụ PCI, suy cho cùng, cũng là một đóng góp quan trọng cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngay tại Việt Nam.
Giờ đây, với sự chính thức xác nhận chuyện hợp tác điều tra ở cấp chính phủ, công luận đang chờ đợi toàn bộ vụ việc sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate