Theo Financial Times, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ xô tới Thụy Sỹ để huy động vốn, thay vì các thị trường lớn hơn như Anh và Mỹ, do căng thẳng địa chính trị với Washington và các quy định kiểm toán nghiêm ngặt ở Anh.
Theo SIX, công ty điều hành thị trường chứng khoán Thụy Sỹ, năm 2022 chứng kiến 9 công ty Trung Quốc huy động được tổng cộng 3,2 tỷ USD tại Thụy Sỹ. Con số này vượt xa tổng số tiền 470 triệu USD mà các công ty Trung Quốc huy động được tại sàn chứng khoán New York, theo dữ liệu từ Dealogic.
Sự dịch chuyển này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa Bắc Kinh và Washington liên quan tới tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Các nhà chức trách Mỹ yêu cầu có khả năng tiếp cận sâu hơn vào tài liệu kiểm toán tài chính của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại nước này. Trong khi đó, phía Bắc Kinh phản đối việc do lo ngại vấn đề bảo mật quốc gia.
Đứng ở giữa, Thụy Sỹ được hưởng lợi từ tình huống này nhờ ít có các yêu cầu khắt khe về sự minh bạch của các công ty kiểm toán.
Theo các giám đốc ngân hàng và giám đốc điều hành sàn giao dịch ở Thụy Sỹ, hàng chục công ty Trung Quốc khác đã tận dụng cơ chế kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến với thị trường chứng khoán ở Zurich.
Mô hình “kết nối chứng khoán” (Stock Connect) này, được thiết lập vào năm ngoái và mô phỏng theo mô hình tương tự ở London, cho phép các công ty được niêm yết ở một nơi có thể huy động vốn ở nơi khác.
“Thụy Sỹ rất có nguy cơ trở thành một thị trường của Trung Quốc”, giám đốc điều hành cấp cao tại một sàn giao dịch đối thủ cho biết.
"Sự gia tăng của các thương vụ niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy sức hấp dẫn của SIX và Thụy Sỹ như một trung tâm tài chính quốc tế cho các doanh nghiệp đến huy động vốn”.
Valeria Ceccarelli, giám đốc tại SIX
Người này cũng nói thêm rằng nếu tất cả các công ty Trung Quốc đã công bố kế hoạch niêm yết đều tiến hành việc này thành công, thì số vốn họ huy động được sẽ lớn hơn giá trị của tất cả thương vụ niêm yết lần đầu (IPO) ở châu Âu trong năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, công ty niêm yết duy nhất tại Thụy Sỹ là một công ty Trung Quốc. Đó là Zhejiang HangKe Technology Incorporated Co, nhà sản xuất thiết bị pin lithium, huy động được 172 triệu USD.
Thay vì thực hiện niêm yết đầy đủ, các công ty phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (Global Depositary Receipt - GDR) thông qua “kết nối chứng khoán”. Chứng chỉ này đại diện cho cổ phần của các công ty nước ngoài tại doanh nghiệp đó, còn doanh nghiệp phát hành nắm giữ cổ phiếu chính tại thị trường quê nhà của họ.
Bà Valeria Ceccarelli, giám đốc tại SIX, cho rằng sự gia tăng của các thương vụ niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy “sức hấp dẫn của SIX và Thụy Sỹ như một trung tâm tài chính quốc tế cho các doanh nghiệp đến huy động vốn”.
Với các công ty Trung Quốc, việc niêm yết ở nước ngoài giúp họ dễ dàng vượt qua các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo trong nước. Theo bà Ceccarelli, các doanh nghiệp này đang huy động tiền để sử dụng cho kế hoạch phát triển quốc tế cũng như tăng sự hiện diện tại châu Âu.
Một số công ty Trung Quốc cũng đang để mắt đến Anh và sử dụng cơ chế kết nối chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán London có từ năm 2019. Thông qua cơ chế này, đã có 5 công ty phát hành cổ phiếu và huy động được tổng cộng khoảng 6,5 tỷ USD. Hai doanh nghiệp đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Anh trong năm 2023 là công ty hóa chất Yongtai và tập đoàn sản xuất Lingyi iTech.
Tuy nhiên, theo một số giám đốc điều hành sàn giao dịch, việc Hội đồng Báo cáo Tài chính - cơ quan quản lý kiểm toán tại Anh - không coi các tiêu chuẩn kiểm toán của Trung Quốc tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, đã đẩy nhiều công ty đến Thụy Sỹ để huy động vốn.
“Các nhà chức trách Thụy Sỹ không miễn bất kỳ yêu cầu kiểm toán nào, nhưng họ đối xử với các doanh nghiệp Trung Quốc như bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào theo Đạo luật kiểm soát kiểm toán Thụy Sỹ”, bà Ceccarelli nhấn mạnh. “Sau cùng, doanh nghiệp là bên quyết định sẽ niêm yết ở đâu. Chúng tôi biết được rằng có khoảng hơn 20 công ty Trung Quốc đang có kế hoạch niêm yết ở châu Âu thông qua GDR”.